Dự báo trên dựa vào thực tế, nhân tố giúp kinh tế số Việt Nam tăng trưởng liên tục trên 30% trong những năm tới là thói quen mua sắm và ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối qua thương mại điện tử khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, có thể kể đến vai trò hết sức quan trọng từ chính sách quản lý về thương mại điện tử. Cụ thể, ngày 25/9/2021, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
Nghị định 85 có nhiều điểm mới, phù hợp với xu thế, và phù hợp với Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2021.
Điểm nhấn là Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các chủ thể của hoạt động thương mại điện tử; tạo sự tin tưởng trong các giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài ra, điểm mới trong Nghị định 85 cũng được chỉ ra như thương nhân cung cấp dịch vụ logistics được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại khoản 14 Điều 1.
Nghị định cũng làm rõ trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ của người bán đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Bên cạnh đó, tất cả các website thương mại điện tử phải công bố về chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này.
Nghị định cũng quy định rõ về hoạt động thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài. Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam; Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Với trợ lực trên, nhiều tổ chức, đơn vị dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025.
Nguồn: https://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/kinh-te-so-cua-viet-nam-co-the-dat-49-ty-usd-vao-nam-2025-500370.html