Dễ đến cả chục năm nay, tôi không viết về VPBank, mặc dù là một trong những người chứng kiến nó ra đời như thế nào và có nhiều quen biết những người sáng lập ra nó.

Nhưng rồi thời gian gần đây, sự phát triển vượt bậc của VPBank đã thúc giục tôi nên viết một điều gì đó, phần vì những ấn tượng tốt đẹp về một ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, phần vì để chia sẻ những hân hoan trong tâm cảm của mình về bộ mặt nền kinh tế tư nhân nước nhà sau mấy chục năm long đong, lận đận. Bởi lẽ, cái gốc của thương hiệu VPBank không phải là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (prosper) như hiện nay mà là Ngân hàng tư nhân (private) Việt Nam.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế Việt Nam mặc dù đã sau dăm năm bước vào công cuộc đổi mới nhưng vẫn cực kỳ khó khăn, mà đặc biệt là sự trì trệ của hệ thống lưu thông - phân phối quan liêu bao cấp. Lạm phát ở mức 3 con số, lương thực và nhiều mặt hàng thiết yếu phải nhập khẩu, doanh nghiệp quốc doanh đông cứng...

Ngay từ những năm ấy, lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nhìn ra một trong những con đường có thể cứu vãn tình thế, đó là nền kinh tế thị trường và phát triển doanh nghiệp tư nhân. Và thế là năm 1992, Hội đồng trung ương lâm thời Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ra đời với sự phê chuẩn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, do bác Hoàng Minh Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại được điều sang làm Chủ tịch.

Hồi đó, cụm từ “tư nhân” là rất nhạy cảm nên từ trên xuống dưới đều dùng cụm từ “ngoài quốc doanh” thay thế. Hội đồng ra quyết định thành lập 3 đơn vị trực thuộc mới, đó là báo Doanh Nghiệp, Trung tâm đào tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Ngân hàng doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (có tên tắt là VPBank). Hình như trong tiếng Anh không có cụm từ “ngoài quốc doanh” cho nên khi gom chúng là một, nhiều “cụ” nhà ta cũng không giỏi tiếng Anh lắm nên không có dị nghị gì.

Khi ấy, tôi là Tổng Biên tập báo Doanh Nghiệp, có cơ hội tiếp cận với VPBank ngay từ những ngày đầu, rồi tiếp xúc với các tổ chức và cá nhân thành viên sáng lập, mới thấy ý chí làm giàu cho mình và cho đất nước trong họ như thế nào, và cũng cảm thấy ánh lửa trong con mắt của họ khi nhắc đến một dân tộc nghèo đến cùng kiệt như thế nào. Lúc đó, với tờ báo của mình, tôi đã nguyện cùng họ xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hùng mạnh.

Kinh tế tư nhân – VPBank và quan hệ nhân quả (ảnh minh họa)

Kinh tế tư nhân – VPBank và quan hệ nhân quả.

Nhưng rồi chắc là vận của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa tới, xe biển xanh vẫn luôn luôn được tôn vinh hơn xe biển trắng, tổ chức Hội đồng trung ương lâm thời Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh được thay thế bằng cái tên Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thành lập vào tháng 1/1993, điều lệ thay đổi, đối tượng thay đổi, mục tiêu chính trị thay đổi...

May mắn thay khi đó, VPBank không bị đổi tên thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, một phần có lẽ là do tiếng Anh chưa phổ biến trong các tầng nấc xã hội.

Lận đận đến 10 năm sau, khi kinh tế quốc doanh ngày càng chứng minh sự cạnh tranh kém cỏi của mình trong công cuộc hội nhập, khi vai trò các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng khẳng định mình trong nền kinh tế đất nước thì ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 đã ra đời, đánh dấu chấm hết cho cuộc đời “con rơi con vãi” của các doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù vậy, VPBank vẫn âm thầm thực thi sứ mệnh của mình bên cạnh biết bao thăng trầm.

Đến bây giờ thì mọi sự đã qua rồi. Mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 (mà trong đó có lẽ trên 90% là doanh nghiệp tư nhân) của Thủ tướng Chính phủ đã chứng minh rằng, sứ mệnh lớn lao của VPBank đặt ra cách đây hơn 25 năm đã thành hiện thực.

Đầu tháng 1/2019, Tạp chí The Asian Banker đã công bố bình chọn VPBank là “Ngân hàng tốt nhất dành cho SME” (Best SME Bank) tại Việt Nam trong chương trình giải thưởng The Asian Banker Vietnam Country Awards (SME là tên viết tắt bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ)

Rồi đầu tháng 2/2019, theo bảng xếp hạng của công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, VPBank đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu.

Âu cũng là quan hệ nhân - quả, vất vả với các doanh nghiệp tư nhân nước nhà như thế trong ngần ấy năm, VPBank được đạt được những thành quả như thế là cũng là phải đạo.

Nhân dịp năm mới 2019, góp chuyện bàn vui về hai chữ P trong cùng một duyên phận VPBank, một là Private, một là Prosper. Tôi nghĩ có lẽ đây cũng là cái duyên của quan hệ nhân - quả. Hãy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân thì tất yếu đất nước sẽ thịnh vượng. Đấy không chỉ là lời khuyên tốt lành của các chuyên gia sừng sỏ trên thế giới mà còn là bài học thực tiễn của hầu hết các quốc gia phát triển.

Mặc dù là chuyện vui nhưng đó có lẽ cũng là điều đáng nhớ của thương hiệu này.

 

Theo reatimes.vn/reablog