Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III năm ngoái, tổng số lượng thẻ ngân hàng phát hành lũy kế cả nước là 147,3 triệu thẻ, tăng 20 triệu thẻ chỉ sau một năm.

Trong đó, thẻ tín dụng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tính đến hết quý năm 2018, cả nước có 4,6 triệu thẻ tín dụng với tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 50 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kì.

Với hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam đang cho thấy mình là thị trường phát triển thẻ tín dụng đầy tiềm năng.

 

Các chuyên gia trong ngành tài chính nhận định, hoạt động du lịch và mua hàng trực tuyến phát triển đã và đang thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu nhiều hơn qua thẻ tín dụng. Nhìn thấy xu hướng này, trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành ngân hàng liên tục đẩy mạnh kích cầu chi tiêu qua thẻ tín dụng.

Hơn nữa, việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các nhà băng. Bởi lãi suất cao hơn so với cho vay thông thường. Đồng thời, các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn,… đem lại nguồn thu lớn và rất ổn định.

Ngoài ra, dịch vụ thẻ tín dụng còn giúp ngân hàng sống khoẻ nhờ phí và các dịch vụ cộng thêm bán chéo sản phẩm cho chủ thẻ.

Chính vì vậy, thị trường thẻ tín dụng cạnh tranh ngày một gay gắt giữa các ngân hàng. Thị phần thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng chủ yếu nằm trong tay các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank,…

Các ngân hàng liên tục đưa ra những chính sách nhằm thu hút và giữ chân khách hàng như hoàn tiền ở các điểm mua sắm, tặng tiền mặt khi chi tiêu nhiều, tặng vali, túi xách khi mở thẻ, miễn thêm phí thường niên cho năm tiếp theo nếu chi tiêu đạt mức ngân hàng đưa ra...

Là một trong những ngân hàng lớn nhất trên thị trường thẻ tín dụng, trong năm qua, VPBank tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cuộc đua số lượng phát hành thẻ mới với hơn 240.000 thẻ, tăng trưởng 20% so với năm trước.

Số dư thẻ tín dụng tính đến cuối năm 2018 đạt gần 6.000 tỉ đồng tăng gần 50% so với năm 2017. Tổng khối lượng giao dịch chiếm khoảng 18% tổng giá trị thị trường.

Song song với đà tăng trưởng về lượng, VPBank cũng ghi nhận sự tăng trưởng về chất khi dẫn đầu toàn ngành về mức độ chi tiêu. Giá trị chi tiêu thẻ đạt khoảng 3.600 tỉ đồng mỗi tháng, tăng 65% so với năm 2017.

Trong đó, chi tiêu thẻ bình quân đầu người đạt 11,5 triệu đồng, tăng trưởng 79% so với năm 2017 và cao hơn khá nhiều so với mức 3,5 triệu đồng/tháng của toàn thị trường. Tăng trưởng tốt giúp thẻ tín dụng đạt lợi nhuận 314 tỉ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kì.

Đại diện VPBank cho biết, mảng thẻ tín dụng tăng trưởng mạnh nhờ chiến lược đẩy mạnh các sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối và tiếp cận khách hàng.

Đặc biệt, ngân hàng tung ra các loại thẻ tín dụng nhắm tới đối tượng khách hàng rất chuyên biệt, không chỉ gói gọn việc giải quyết nhu cầu chi tiêu mà hướng tới việc tạo ra các sản phẩm tài chính kết hợp.

Chẳng hạn, World Lady là thẻ tín dụng đầu tiên trên thị trường giành riêng cho phụ nữ. Bên cạnh việc hỗ trợ chi tiêu thuận lợi, thẻ tín dụng này còn liên kết với các đối tác khác của VPBank để được ưu đãi hoàn tiền khi sử dụng dịch vụ vui chơi, y tế, giáo dục, mua bảo hiểm cho con,…

Ngoài ra, ngân hàng cũng ra mắt sản phẩm vay qua điện thoại với thủ tục đơn giản, giúp khách hàng có thể vay tiền mặt một cách nhanh chóng trong hạn mức thẻ của mình.

Theo Reatimes.vn