Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm tăng trưởng dương

Năm 2020, nền kinh tế trên toàn cầu loay hoay vượt bão dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh bất ngờ ập vào nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Trung Quốc rồi sau đó lan rộng sang các quốc gia khác kéo nền kinh tế thế giới đi xuống. Chưa bao giờ tình trạng đóng cửa biên giới, ngưng trệ xuất nhập khẩu được thực thi hàng loạt như vậy. Covid-19 không chỉ làm đóng băng hoạt động xuất khẩu giữa các quốc gia mà còn khiến kinh tế nội địa của các nước bị chững lại vì lệnh “đóng cửa” các thành phố lớn.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho biết, năm 2020 tới 81% lực lượng lao động bị ảnh hưởng, mất việc, giảm lương… và tổ chức này cũng dự đoán tỉ lệ thất nghiệp thời gian tới cũng tăng cao. Riêng Mỹ đã có 47,5 triệu người đã nộp đơn xin thất nghiệp.

Kinh tế Việt Nam trong năm qua tăng trưởng dương dù dịch bệnh.

Các biện pháp phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội để chống dịch dù ngắn hay dài, ở phạm vi quốc gia hay quốc tế đều làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu. Tổng cầu thị trường giảm xuống làm đổ vỡ các hợp đồng kinh tế, tăng rủi ro cổ phiếu và trái phiếu.

Trong các báo cáo chính thức, tất cả các tổ chức quốc tế đều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 quá lớn. Thậm chí, kinh tế thế giới sẽ phải chịu tăng trưởng âm 4,9% năm 2020 - con số tồi tệ nhất từ năm 1930.

Tuy nhiên, khu vực châu Á lại có phần khả quan hơn khi IMF dự đoán có hai quốc gia tăng trưởng, Trung Quốc tăng khoảng 1% và Việt Nam tăng 2%. Dù không cao nhưng vẫn có chút triển vọng. Quỹ này dự đoán, năm 2020 kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. GDP Việt Nam 2020 ước tính đạt 340.6 tỉ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD.

Năm 2020, Việt Nam có tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực

Song song với đó, theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 1,8%, cao hơn 0,8% so với dự báo của IMF. Lý do là vì Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cộng với Hiệp định EVFTA vừa ký sẽ tạo điều kiện rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Sự kiểm soát dịch kịp thời cũng khiến kinh tế Việt Nam phục hồi được nhanh hơn.

Có thể thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm tăng trưởng dương trong khi cả thế giới vẫn đang phải gồng mình trong cơn bão Coviod-19 và chịu kinh tế tồi tệ chưa từng có.

Trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này khẳng định, trong tương lai kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn.

Báo cáo của WB cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được duy trì và củng cố từ quý 2 sang quý 3. Dù tỉ lệ thất nghiệp và giảm việc làm có tăng nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ đều tăng gấp đôi, thậm chí có xu hướng tốt hơn so với các nền kinh tế trong khu vực. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (Số liệu từ Bộ Công Thương).

Bước qua đại dịch để vươn lên

Những dự báo và nhận định của các tổ chức uy tín trên thế giới không phải không có cơ sở. Nhiều chuyên gia tài chính cũng đã đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay.

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương có cái nhìn khá lạc quan về kinh tế năm 2021: "Kinh tế Việt Nam tất nhiên có ảnh hưởng bởi nền kinh tế thế giới. Hiện nay, đang có mấy dấu hiệu tích cực ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như: Tìm ra vacxin chữa Covid-19, mức độ hồi phục của nền kinh tế thế giới trong một vài tháng gần đây rồi khả năng cân bằng giữa việc chống dịch và mở cửa nền kinh tế của các chính phủ cũng bình tĩnh hơn. Nhiều tổ chức cũng đánh giá mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có thể 6-7% vào năm 2021".

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương

Còn chiến lược gia trưởng Ruchir Sharma của Công ty Tài chính Morgan Stanley nhận xét, Việt Nam có thể trở thành "kỳ tích châu Á" tiếp theo.

"Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 3%/năm. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm", ông Sharma đánh giá.

Không thể không phủ nhận, thời gian vừa qua, dù dịch bệnh khiến kinh tế chao đảo nhưng Chính phủ Việt Nam đã có phương thức dập dịch vô cùng đúng đắn. Đó là "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. 

Trong khi các quốc gia đang phải gồng mình hứng chịu dịch bệnh thì Việt Nam đã dần trở lại bình thường. Cho đến thời điểm dịch tái phát tại Đà Nẵng, dù có ảnh hưởng đến sự phục hồi thì kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững. Từ các chiến dịch hỗ trợ các DN như gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí, cũng như nhiều giải pháp để cân đối ngân sách Nhà nước. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà DN và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng.

Tất nhiên, một số ngành vẫn chịu sự tác động của dịch bệnh như du lịch, xuất nhập khẩu. Song, thay vào đó một số ngành lại được thúc đẩy và phát triển mạnh. 

Tiến sĩ Thành nhận định, dù tốc độ tăng trưởng của các ngành sẽ không đồng đều và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng năm tới triển vọng kinh tế khá lạc quan nhưng. "Nếu dịch bệnh được khống chế thì ngành nào ảnh hưởng nặng bởi dịch tốc độ quay lại sẽ nhanh hơn. Những ngành nặng nhất như dịch vụ, hàng không, du lịch phải đến năm 2022 – 2023 mới có thể tăng trưởng mạnh trở lại. Còn những ngành phụ thuộc nhiều kinh tế thế giới là lĩnh vực xuất nhập khẩu phụ thuộc vào 2 yếu tố: Đà phục hồi của tổng cầu và hành vi của thị trường, người tiêu dùng dịch chuyển các mặt hàng để tiêu dùng như thế nào. Ví dụ ngành dệt may có thể vẫn chưa thể xuất nhanh và nhiều như trước.

Ngành thứ 3 tương đối nội địa hơn là ngành bán lẻ phục hồi phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm và kỳ vọng vào triển vọng tích cực của thị trường. Bởi người tiêu dùng có ổn định được kinh tế thì người ta mới dám bỏ tiền ra chi tiêu. Tuy nhiên, có thể hy vọng về nền kinh tế sáng hơn trong năm tới".

Ngân hàng đa quốc gia UOB đưa ra dự báo đối với kinh tế Việt Nam "Dự báo mức tăng GDP của Việt Nam vào quý 3 là 3%, giảm so với dự báo 4,5% trước đó. Quý 4 dự báo GDP sẽ tăng 4%. Điều đó sẽ khiến dự báo tăng trưởng của cả năm 2020 của Việt Nam là 2,8%, giảm so với dự báo trước đó là 3,5% nhưng năm 2021 sẽ đạt tới 7,1%"

Cơ sở cho dự báo này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi vì Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động kinh doanh trong nước. Hơn nữa, với kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh và xoay chuyển kinh tế thì nhiều quốc gia sẽ chú ý tới Việt Nam, nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ tăng cao.

Thêm một điểm nữa, nửa đầu năm 2020, bất chấp tình hình dịch bệnh, dòng vốn FDI rót vào Việt Nam vẫn ổn định. Từ sự ổn định này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1%. Chỉ kém 0,4% so với dự báo trước đây là 8,5%. Điều đó tạo niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.  

Mức tăng trưởng dự báo năm tới của các quốc gia châu Á.

Họp phiên ngày 11/11 vừa qua, Quốc hội cũng đề ra mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%. Mức tăng trưởng này đã được tính toán kỹ lưỡng nhờ sự nỗ lực của Việt Nam trong khống chế dịch, hỗ trợ DN trong phục hồi kinh tế và bản thân nỗ lực của các DN. 

Dự đoán tăng trưởng này được các chuyên gia nhận xét là khá thận trọng "Từ đầu tháng 10 trở lại đây, các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu mưa bão, lũ lụt chưa từng có trong lịch sử, khiến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh miền Trung bị đình đốn, hàng loạt hạ tầng kinh tế, xã hội bị phá hủy, xuống cấp; các công trình xây dựng dân dụng cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự, nên năm nay khó lòng đạt tốc độ tăng trưởng 3%. Như vậy, quy mô nền kinh tế năm nay đạt thấp hơn dự kiến. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 so với năm 2020, mà năm 2020 đạt thấp, thì tốc độ tăng trưởng năm 2021 phải cao hơn nhiều” -  PGS-TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công (Học viện Tài chính) nhận định.

Hơn nữa, trong tháng 10 có thêm 12.200 doanh nghiệp thành lập mới và 5.044 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng lần lượt 18,4% và 10,4% so với tháng trước. Với đà tăng trưởng này, nhiều chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm nay chắc chắn đạt trên 2% và đây chính là cơ sở để tin rằng, năm 2021, GDP có khả năng tăng cao hơn nhiều chỉ tiêu 6%. Hoàn toàn có cơ sở khi mà năm 2021 nhiều quốc gia bình thường trở lại, và nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục lớn mạnh "Việc chống dịch tốt và chủ động thu hút FDI sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều dự án khi nền kinh tế hồi phục", dự báo của tổ chức UNCTAD nêu.

Đóng góp cho bức tranh kinh tế tươi sáng trong năm 2021 nữa là chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tại Việt Nam. Trong năm 2020, 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng so với mức 32% của năm 2019. Sự thay đổi này khẳng định: Nền kinh tế số đang thay đổi. Xu hướng đó là xu hướng của thời đại mới, hội nhập quốc tế. Việt Nam đã dần bắt kịp với cách thức cung ứng toàn cầu, do đó hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai của một nền kinh tế số. "Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra khá mạnh mẽ, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN. Trong thời gian dịch bệnh nó còn được thúc đẩy mạnh hơn và trong tương lai còn phát triển hơn. Các dự báo cũng đã cho biết kinh tế số sẽ còn tăng trưởng rất là cao. Ví dụ trung bình là 30% thì tương lai có thể cao hơn nữa" - TS. Thành nhận định.

Chỉ số Quỹ đầu tư ETF của Việt Nam tăng cao

Năm 2021 còn mở ra nhiều cơ hội cho ngành chứng khoán với báo cáo kết quả trong quý 2. Đầu quý 3, thị trường chứng khoán (TTCK) giảm điểm vì dịch bùng phát trở lại và các biện pháp giãn cách xã hội hây nên tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên sau đó, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ và chính sách hạ lãi suất tiền gửi các ngân hàng đã tăng tính hấp dẫn cho TTCK và thị trường đã khởi sắc mạnh mẽ. VN-Index chốt trên 905 điểm và thu hẹp mức giảm của 9 tháng đầu năm xuống dưới 6%. VN-Index tiếp tục tăng trong các phiên giao dịch tháng 10, chốt phiên cuối tuần rồi ở 924 điểm.

Tuy rằng năm vừa qua, tăng trường kinh tế của Việt Nam vẫn khá hơn nhiều nước trong khu vực nhưng mức trung bình của năm 2020 và 2021 vẫn thấp hơn năm 2018 – 2019. Hơn nữa, trải qua hai đợt lũ mang tính lịch sử vừa qua cũng kéo các hoạt động kinh doanh đi xuống. Do đó, năm tới Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng nỗ lực rất nhiều.

Ưu thế lớn nhất của Việt Nam là Chính phủ đã nắm được ưu thế kiểm soát dịch, đây sẽ là điều kiện tiên quyết đảm bảo củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, chính đại dịch Covid-19 tạo ra những cơ hội mới. "Để tận dụng những cơ hội mới được tạo ra từ chính đại dịch này. Năm 2021, Chính phủ cần thực hiện hai việc song song, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Chính phủ cũng cần tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vì đây là giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2021 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn.

"Cần thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân" - TS. Cấn Văn Lực

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần phát huy thế mạnh của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, có tính lan tỏa cao, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Trong quá trình này, cần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch điện tử, thanh toán điện tử để vừa giúp tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế hiện nay cũng như giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đồng tình với việc năm tới nhà nước nên tập trung phát triển kinh tế tư nhân và lấy đó làm chủ đạo phát triển kinh tế. Một giải pháp quan trọng nữa theo bà là mở rộng, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ các rào cản với đầu tư kinh doanh. Tự do ở đây không chỉ là “tự do làm gì”, mà còn là “tự do làm thế nào”. Đó là những yếu tố rất quan trọng để khu vực tư nhân phát triển. Còn với những doanh nghiệp tư nhân, theo bà việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong thập niên tới.

Với những yếu tố tích cực và những biện pháp nêu trên, nền kinh tế Việt trong năm 2021 hoàn toàn có triển vọng nếu như không có sự cố bất ngờ nào xảy ra.

Theo Linh Trần/Đô Thị Mới