“Đưa miếng cơm vào miệng cũng thấy rờn rợn”

Trao đổi với PV, bạn N.V.H., cựu sinh viên tại Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên chia sẻ. “Khi còn học tại đây, mình có nghe thông tin nhà ăn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến nhưng khi đó mình không để tâm vì cho rằng đây là thông tin không chính xác vì không thể có chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc có thể lọt vào môi trường quân đội.

Khi biết thông tin này, mình cảm thấy ngạc nhiên và lo cho sức khoẻ của những người đang sử dụng thực phẩm trong đó. Nghĩ đến đưa miếng cơm vào miệng cũng thấy rờn rợn. Rất mong phía nhà trường cần làm rõ, xử lý nghiêm minh hành động này”.

Để có được thông tin khách quan, PV đã tìm đến khu nhà ăn – nơi phục vụ cơm cho sinh viên tại đây nhằm khảo sát thực trạng này”.

Trung tâm bày bán công khai thực phẩm không rõ nguồn gốc nhiều năm mà không hề bị kiểm tra, xử lý. (Ảnh: Bình An).

Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên có tổng cộng 2 nhà ăn (nhà ăn số 1, nhà ăn số 2) nằm liền kề nhau và được ngăn cách bởi những tấm nhôm mỏng chắn ngang. Khu bếp nằm ngay sau nhà ăn. Ngoài ra còn thêm 2 căng tin (căng tin số 1, căng tin số 2) bán hàng, đồ uống, tạp hoá… để phục vụ sinh viên. Dù chức năng hai nhà (nhà ăn, nhà căng tin) khác nhau nhưng có một điểm chung duy nhất là đều cung ứng thực phẩm không nguồn gốc cho sinh viên.

Đều đặn vào 11h và 18h hàng ngày, sau tiếng còi báo hiệu, tất cả học viên phải tập trung và xếp hàng đi đến khu nhà ăn. Khi đến nhà ăn, cứ 7-8 sinh viên (đã được phân theo danh sách) sẽ ngồi chung một bàn ăn, trung bình khẩu phần ăn cho mỗi học viên là 15.000 đồng/ bữa.

Trò chuyện với một số sinh viên đang theo học tại đây, khi PV cung cấp thông tin những thực phẩm được sử dụng hàng ngày trong bữa ăn là thực phẩm không rõ nguồn gốc, các bạn có cảm thấy lo lắng về điều này hay không, nhiều sinh viên tỏ ra khá bình tĩnh trước thông tin PV đưa ra.

Bạn P.M.T. cho biết: “Biết thì có làm được gì, ăn thì vẫn phải ăn. Không ăn ở đây thì ăn được ở đâu? Sinh viên học tại đây không được ra ngoài để ăn, bắt buộc phải ăn trong đây. Dù sao cũng chỉ học một thời gian ngắn (32 ngày/khoá) nên đành cố chịu”.

Bạn V.L. chia sẻ: “Thông tin thực phẩm trôi nổi em có nghe qua, nhưng không lấy làm lạ bởi ngoài kia những suất cơm sinh viên họ cũng sử dụng thực phẩm trôi nổi để làm thì mới có cái giá 15.000 đồng. Với lại đã học tại đây, đã đóng tiền ăn rồi thì bắt buộc phải ăn tại nhà ăn vì không được phép ra ngoài”.

“Giá 15.000 đồng thì có vấn đề là đúng rồi, quá rẻ. Hồi đó mình ăn cũng có vấn đề, có khi ăn xong đau bụng cả ngày. May không làm sao”, bạn Minh Tâm, cựu sinh viên thở dài khi nhớ lại.

Trong vai một nhà thầu đến để đặt vấn đề muốn thầu lại toàn bộ khu vực, PV đã tìm đến Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên để đặt vấn đề. Tại đây, PV được văn thư giới thiệu gặp một cán bộ tên Tuấn – tự giới thiệu là người phụ trách mảng thầu nhà ăn tại đây.

Khi PV đặt vấn đề và muốn khảo sát số lượng sinh viên trước khi quyết định thầu hay không, cán bộ tên Tuấn cho hay, “nguồn” sinh viên tại đây rất ổn định, hàng năm trung bình là khoảng 1.000 học viên theo học, thêm nữa một yếu tố rất thuận lợi là học viên vào đây học buộc phải ăn tại đây, không được ra ngoài để ăn vậy nên “nhà thầu”  có thể yên tâm.

Vậy là, khi học viên đang theo học tại Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên dù muốn hay không cũng phải ăn tại đây và khi nguồn thực phẩm cung ứng là nguồn hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì sinh viên cũng không có quyền lựa chọn nào khác là “buộc” phải ăn.

Là một sinh viên vừa tốt nghiệp, bạn Đ.T. tâm sự: “Đây là việc ai cũng biết, chỉ mong phía Trung tâm có thể điều chỉnh vì sinh viên rất mong được giải quyết. Sinh viên muốn bữa ăn an toàn và đảm bảo vệ sinh, đây không phải là mong muốn quá đáng mà là mong muốn chính đáng”.

Để có được nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, người tiêu dùng phải tìm đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… để mua. Tuy nhiên, không phải cứ bỏ một số tiền nhiều là có thực phẩm như mong muốn. Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ là điều kiện cần, lương tâm người bán mới là điều kiện đủ.

Thực tế cho thấy, vì lợi nhuận trước mắt, một số nơi đã bất chấp luật pháp để “tuồn” những lô thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc về tiêu thụ. Đáng lo ngại hơn, những thực phẩm này lại đã và đang tìm cách len lỏi vào khẩu phần ăn của học viên tại Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên mà không bị phát hiện, kiểm tra, xử lý nhiều năm nay.

Chánh văn phòng Đại học Thái Nguyên nói gì?

Trao đổi với PV về câu chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chánh văn phòng Đại học Thái Nguyên cho biết: “Tôi biết là Trung tâm (Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên) đang có vấn đề. Không chỉ là chỉ ở bữa ăn mà nhiều vấn đề khác. Tóm lại, cả hệ thống mà không đi theo thì khổ”. Bên cạnh đó, ông Hà cũng nhấn mạnh sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm nếu đúng như báo chí đã phản ánh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chánh văn phòng Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: Đại học Thái Nguyên).

Trước đó, trao đổi với báo chí, cán bộ Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên khẳng định, thực phẩm khi được các nhà ăn, căng tin cung ứng đều phải cam kết về nguồn gốc đảm bảo. Phía Trung tâm có một đội riêng để kiểm tra về chất lượng, thậm chí là cả bên an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã lấy mẫu kiểm tra. Phía cung ứng đầy đủ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm khi đưa vào chế biến cho học viên.

Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên cũng bày tỏ mong muốn thông tin được minh bạch, công khai. Bởi lẽ việc học viên đóng tiền để được thụ hưởng những thực phẩm sạch, có nguồn gốc thì lại bị “bóp méo” thành những thực phẩm không rõ nguồn gốc là điều không thể chấp nhận được. Vậy số tiền chênh lệch đó đi vào “túi” ai?

Để rộng đường dư luận, chiều ngày 1/10, PV đã đến đây để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, khi đến đăng ký đặt lịch phỏng vấn, một cán bộ của Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên đã dùng những ngôn từ xúc phạm và đe dọa PV. 

Cán bộ thuộc Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên đã có hành vi lăng mạ, đe doạ PV. (Ảnh: Bình An).

Trước sự hung hăng của cán bộ Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên, PV đã nhẫn nại giải thích. Tuy nhiên, đáp lại là sự bất hợp tác từ phía Trung tâm.

Khoan nói đến năng lực của vị cán bộ này, một dấu hỏi đặt ra là tại sao một cán bộ với ứng xử có phần côn đồ, hung hăng, thiếu văn hoá như vậy lại được bổ nhiệm làm nhân sự của Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên?

Ngay sau đó, PV đã liên hệ với văn phòng ĐH Thái Nguyên để phản ánh sự việc, phía văn phòng cho biết sẽ báo cáo và xử lý nghiêm.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc là sự thực, sinh viên không có quyền lựa chọn thực phẩm cho mình cũng là sự thực. Tuy nhiên, đến nay, việc kiểm tra, xử lý đang có dấu hiệu không thực sự minh bạch ở cả khâu thực phẩm và đấu thầu nhà ăn, căng tin.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3: “Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên: Đầy rẫy tiêu cực trong đấu thầu?”

Theo Bình An/Đô thị mới/Reatimes