Để bài trừ được “vấn nạn” thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc đã và đang “len lỏi” vào những bữa ăn hàng ngày, ngoài công tác quản lý cần được siết chặt thì người tiêu dùng cũng cần chung tay giúp sức, lựa chọn thực phẩm đảm bảo và nói không với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, thực phẩm không rõ nguồn gốc bằng nhiều cách khác nhau vẫn được đưa vào bữa ăn dành cho các học viên Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên và những học viên tại đây tỏ ra “cam chịu” bởi lẽ họ không có quyền được chọn lựa.
Giờ đây, ngoài siết chặt công tác kiểm tra, quản lý, ý thức người tiêu dùng thì một yếu tố then chốt giúp “vấn nạn” thực phẩm không rõ nguồn gốc được bài trừ đó là… lương tâm của chính những cán bộ, những người thầy, chủ thầu và cả những người cung cấp thực phẩm.
Công thức đặc biệt để trúng thầu
Câu chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc, cán bộ - những người thầy tại Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên đem chủ thầu ra để “làm luật” kiếm chác dù chưa sáng tỏ thì mới đây một vấn đề khác được đặt ra đó là có hay không sự “nâng đỡ không trong sáng” trong công tác đấu thầu?
Một chủ thầu cho biết, hiện tại Trung tâm đã dừng việc đấu thầu nhà ăn, căng tin để những chủ thầu cũ làm. (Ảnh: Bình An)
Trong vai nhân viên một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tại Hà Nội, PV đã tìm đến Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên để tìm hiểu, đặt vấn đề muốn thầu toàn bộ khu vực nhà ăn, căng tin để cung ứng dịch vụ.
Trò chuyện với PV, một chủ thầu (tạm gọi là K.) – người có “thâm niên” trúng thầu nhiều năm tại Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên cho biết, tất cả những nhà thầu đều từng có ý định rời đi, phần vì học viên những năm gần đây giảm mạnh nên không buôn bán, cung ứng dịch vụ nhiều. Không những vậy, những chủ thầu còn “bị” bắt buộc phải “nộp tô thuế”, “nộp mấy củ” cho cán bộ quản lý nếu muốn yên ổn làm ăn.
Vì “trót”… trúng thầu, vì “miếng cơm manh áo” nên những chủ thầu tại đây phải “cắn răng chịu đựng”. Trong cuộc trò chuyện, chủ thầu tên K. cho biết, hiện tại chủ thầu nhà ăn (đại diện Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Thị Huyền - PV) đã trúng thầu được 10 năm nay chưa “xịt” lần nào.
Hoài niệm về những năm tháng còn “hưng thịnh”, chủ thầu K cho hay, trước đây có rất nhiều chủ thầu khác cũng đến hỏi thăm nhưng tất cả cũng dừng lại ở mức “hỏi thăm”, còn để trúng thầu thì 10 năm nay chưa chủ thầu nào có thể “trúng” được và hiện tại đã dừng việc đấu thầu nhà ăn, căng tin để những chủ thầu cũ làm.
Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh – Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: Bình An)
“Có rất nhiều người giống anh đến đây hỏi thầu nhưng đến giờ thì tôi vẫn ngồi đây, chủ thầu nhà ăn vẫn làm. Ở đây, chẳng tự nhiên vào được đây “ngồi”, người ta làm đây toàn “cơ” lớn”, ông K. nói.
Như để minh chứng cho PV thấy sự uy tín, ông K. giọng đắc thắng nói: “Bình thường thời gian đấu thầu là hạn 1 năm, nhưng anh còn 2 năm nữa”. Khi PV thắc mắc, ông K. nhoẻn miệng cười nói: “Anh là anh có cơ chế khác”.
Thực tế, nhiều năm nay, những nhà thầu tại Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên không hề có sự thay đổi. Không chỉ vậy, những nhà thầu này còn ngang nhiên, bất chấp luật pháp cung ứng những sản phẩm không rõ nguồn gốc cho học viên để kiếm lời trong thời gian dài mà không bị phát hiện xử lý.
Cuối cùng, để có thể trúng thầu, những nhà thầu ngoài việc phải “nộp mấy củ” cho cán bộ quản lý để yên ổn làm ăn thì ở đây, yếu tố “tiền” chỉ là điều kiện “cần”, còn “quan hệ” mới là điều kiện “đủ”?
Liệu có sự “nâng đỡ không trong sáng” nào ở đây hay không?
Cũng trong vai nhà thầu, PV được văn thư giới thiệu đến gặp một cán bộ tên Tuấn chuyên phụ trách công việc tiếp đón nhà thầu, nội dung đấu thầu.
Theo cán bộ Tuấn, hiện thời điểm này chưa có thông tin về lịch đấu thầu, mọi thông tin sẽ được đăng tải trên Website. Còn cụ thể, ông Tuấn hẹn PV sang đầu tuần để trao đổi. Trước đó, xác nhận với PV, ông K. – chủ thầu cho hay, thời điểm này việc đấu thầu đã dừng lại nhưng như lời cán bộ Tuấn, công tác đấu thầu vẫn đang được tiếp diễn.
Về phía Đại học Thái Nguyên – PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chánh văn phòng cho biết, sẽ tiếp nhận thông tin, phản ánh của báo chí.
Trước thắc mắc về việc dù rất nhiều nhà thầu đến đặt vấn đề đấu thầu nhưng tất cả chỉ đều chỉ dừng lại ở việc “đặt vấn đề”, còn những chủ thầu cũ, dù đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc nhiều năm nay nhưng vẫn “ trúng thấu”, liệu có sự bất minh, quan hệ, “nâng đỡ không trong sáng” nào ở đây hay không? Vị Chánh văn Phòng bình luận: “Chuyện quan hệ nó là đương nhiên, vấn đề là quan hệ trong sáng hay trong tối. Mình biết nhau mình có thể trong sáng rất là bình thường. Nếu quan hệ tối, mập mờ, đi ngầm thì mình hoàn toàn hiểu”.
“Còn đỗ hay không thì do hội đồng, còn khi trúng thầu, anh vi phạm những điều khoản trong hợp đồng sẽ phải chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo hợp đồng”, vị Chánh văn phòng tiếp lời.
Ngay khi đăng tải loạt bài về Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên, dù trước đó, PV chỉ cung cấp số điện thoại cho cán bộ, lãnh đạo tại đây, không cung cấp cho phía nhà thầu nhưng tối ngày 8/10, một số điện thoại 0978428*** tự xưng là người trong clip đã gọi điện cho PV. Trước thắc mắc tại sao lại có được số điện thoại của PV, người này từ chối trả lời. Khi PV cung cấp việc nhiều ngày nay, có một số đối tượng đã nhắn tin đang có dấu hiệu đe dọa PV, người này trả lời ráo hoảnh: “Tốt đấy”. Câu chuyện chỉ dừng lại khi PV đề nghị tắt máy, từ chối trả lời.
Câu chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc, chủ thầu “tố” cán bộ Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên “làm luật”, “vòi vĩnh” nhà thầu vẫn chưa được sáng tỏ và giờ lại có cả thông tin về những bất minh trong công tác đấu thầu, vậy người trong cuộc nói gì?
Liên quan đến vụ việc này, sau khi nhận được thông tin từ báo, ngày 4/10, Giám đốc Trung tâm GDQP&AN ĐH Thái Nguyên cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã tiến hành kiểm tra bếp ăn. Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Nguyên, Phòng An ninh chính trị Công an tỉnh Thái Nguyên, Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, Phòng thanh tra pháp chế Chi cục quản lý CLNLS&TS đã đến kiểm tra đột xuất tại bếp ăn tại Trung tâm. Sau 04 giờ kiểm tra tích cực, đoàn đã ra kết luận: Đối với hộ kinh doanh của Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Thị Huyền: - Các nội dung cơ sở thực hiện tốt: Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Thị Huyền có địa chỉ kinh doanh tại bếp ăn số 1 và bếp ăn số 2 Trung tâm giáo dục quốc phòng ĐH Thái Nguyên, xóm Nước hai, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đang hoạt động kinh doanh. Kiểm tra hồ sơ thủ tục hành chính, ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Bùi Thị Huyền đã xuất trình: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; hồ sơ khám sức khỏe định kỳ năm 2018; giấy xác nhận kiến thức về ATTP đối với chủ cơ sở và những người lao động trực tiếp tại bếp ăn; hợp đồng mua bán thực phẩm… - Kiểm tra thực tế: Đánh giá điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người: Đạt yêu cầu. |
Mời quý độc giả đón đọc kỳ 5: Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên: Người trong cuộc nói gì?