Trước đó, chúng tôi đã đăng tải bài viết với nội dung Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh – Đại học Thái Nguyên (Trung tâm GDQP&AN) có dấu hiệu buông lỏng quản lý khi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc trong bữa ăn cho học viên Trung tâm.
Ngay khi đăng tải, PV đã có cuộc khảo sát với một số học viên tại Trung tâm, học viên B.C. phản ánh, khi thông tin Trung tâm GDQP&AN sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc được đăng tải, bữa trưa ngày 3/10 đã có sự cải thiện rõ rệt nhưng đến bữa tối cùng ngày, chất lượng bữa ăn lại quay về như cũ.
Học viên N.T.cho biết: “Mọi lần ăn cá kho thì cá chỉ rán qua thôi, chỗ nào thịt mỏng ăn còn chín, chỗ nào mà thịt nhiều, dày, thì vẫn sống và nhơn nhớt. Không biết Trung tâm duy trì được chất lượng mấy hôm?”.
Chủ thầu “tố” cán bộ Trung tâm “làm luật”, “vòi vĩnh” nhà thầu
Tạm gác lại câu chuyện Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh – Đại học Thái Nguyên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc cho học viên, cán bộ có hành vi lăng mạ, đe dọa khi PV tìm đến liên hệ làm việc. Gần đây, một chủ thầu tại Trung tâm đã đứng ra tố cán bộ Trung tâm GDQP&AN có hành vi “làm luật”, “vòi vĩnh” nhà thầu, vì muốn yên ổn làm ăn, mưu sinh, những nhà thầu tại Trung tâm buộc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” nếu không muốn bị gây khó dễ bởi những đợt kiểm tra bất chợt.
Trong vai một đại lý tìm đến Trung tâm GDQP&AN để quảng cáo, cung ứng thực phẩm sạch. Tại đây, PV gặp một người đàn ông khoảng ngoài 40 tuổi, tự xưng là một trong số những chủ thầu tại Trung tâm (tạm gọi là K.). Trong cuộc trò chuyện, PV biết được, ông K. là một “lão làng” nhiều năm trúng thầu tại Trung tâm.
Khi biết PV (trong vai đại lý) muốn cung ứng số lượng lớn thực phẩm sạch và chọn nơi đây là “kinh đô” để làm nơi phát triển, kinh doanh, ông K. cười khẩy: “Suất ăn ở đây có 40.000 đồng thôi, mỗi bữa trưa, tối là 15.000 đồng, sáng 10.000 đồng. Nếu anh dùng thực phẩm sạch thì phải đắt gấp 5 lần bây giờ. Lúc đó không có cái giá 15.000 đồng như bây giờ đâu”.
“Bữa ăn học viên 1 ngày là 40.000 đồng, trừ thuế đi còn 36.000 đồng. Suất ăn của học viên giá 15.000 đồng đã bao gồm tiền nhà, điện nước, gas, củi… Ngoài ra là chi phí công cán nhân viên và phí … “nuôi cán bộ” khung quản lý. Mỗi tháng, tính riêng tiền nhà, điện, nước… đã mất 15 triệu rồi, còn phải mất cho cán bộ khung quản lý mỗi tháng “mấy củ” gì đấy”, ông K. lý giải.
Theo ông K., tất cả nhà thầu tại Trung tâm GDQP&AN đều phải đóng “tô thuế” nên rất nhiều nhà thầu cảm thấy chán nản, bất lực nhưng lại không thể lên tiếng vì đã “lỡ” … trúng thầu. Dù rất bất bình, nhưng những nhà thầu đều chọn cách “im lặng là vàng”, “ngậm bồ hòn làm ngọt”, âm thầm chịu đựng, mỗi tháng để ra “mấy củ” để “nuôi” cán bộ quản lý khung. Đổi lại, những chủ thầu có thể yên ổn làm ăn để nuôi sống gia đình họ.
Chủ thầu “tố” cán bộ Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên “làm luật”, “vòi vĩnh” nhà thầu. (Ảnh: Bình An)
Không chỉ vậy, ông K. còn tiết lộ, đối với mỗi nhà thầu sẽ là một cách tính riêng, ví dụ như nhà ăn sẽ được “khoán” chi tiết hơn vì trên đó có sổ sách ghi chép, còn với căng tin kinh doanh thêm mặt hàng khác, có sự biến động nên sẽ “khoán” kiểu riêng. Ông K. nhận định, việc “khoán” hàng tháng của căng tin “dễ thở” hơn so với nhà thầu phía nhà ăn.
Không chỉ dừng lại việc đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc cho học viên sử dụng nhiều năm, giờ đây, một bí mật khác khiến dư luận bức xúc đó là việc nhà thầu Trung tâm GDQP&AN từ bao giờ lại trở thành miếng “bánh ngọt” thơm ngon để những cán bộ quản lý khung – những người thầy đem ra “chia chác” kiếm lời? Liệu phía Trung tâm có biết sự việc này?
Để làm rõ điều này, PV đã tìm đến Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên để xác minh nhưng cán bộ tại đây lại có những lời lẽ đe dọa, lăng mạ, cản trở PV tiếp cận thông tin.
Trước đó, PV đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với Chánh văn phòng Đại học Thái Nguyên – PGS. TS Nguyễn Thanh Hà để cung cấp thông tin, vị Chánh văn phòng cho biết, phía Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp thu, ghi nhận những thông tin PV đã phản ánh và sẽ xác minh trả lời báo chí.
Đã đến lúc Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên phải “phá rào”?
Dù trước đó từng lên tiếng ủng hộ công khai, minh bạch thông tin nhưng đến thời điểm hiện tại, Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên vẫn đang chọn cách “im lặng” trước dư luận và truyền thông.
Quay trở lại câu chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc được sử dụng cho học viên, sau khi đăng tải bài viết trên báo chí, dù phía nhà trường luôn khẳng định sẽ tiếp thu, ghi nhận thông tin nhưngvẫn chưa có bất cứ biểu hiện cụ thể nào cho thấy Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên “lắng nghe ý nguyện” của học viên để từ đó có sự thay đổi bằng hành động thay vì… nói suông.
Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh – Đại học Thái Nguyên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc cho các cán bộ, sinh viên đang công tác, học tập tại đây. (Ảnh: Bình An)
Cụ thể, theo nguồn tin của PV, học viên N.K. cho biết: “Ngay khi có thông tin ngày 4/10 sẽ có đoàn kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trung tâm, các thầy tại đây đã yêu cầu chúng em phải dậy từ sớm để dọn dẹp vệ sinh thật sạch sẽ, thay vì tập thể dục như thường lệ. Việc dọn dẹp phải thật sạch để đón đoàn kiểm tra. Chúng em cũng được “dặn dò” là khi có ai hỏi về chất lượng bữa ăn thì phải trả lời: “Cơm ngon, chất lượng bữa ăn tốt”… thông báo được báo đến tất cả sinh viên các dãy nhà”.
Thực tế, chất lượng bữa ăn tại đây đã có sự thay đổi nhưng theo các học viên thì sự thay đổi tích cực diễn ra trong thời gian rất ngắn, có khi là 1 bữa, có khi là 1 ngày hoặc vài ngày. Sau đó, đâu lại trở về đó, người chịu thiệt vẫn là những học viên.
Vậy phải chăng đã đến lúc Trung tâm GDQP&AN – Đại học Thái Nguyên phải “phá rào” để minh bạch thông tin và học viên được quyền lựa chọn những dịch vụ được tin dùng, đảm bảo thay vì cứng nhắc đi theo “lối mòn” trước đây, cung ứng những dịch vụ “bắt buộc” học viên phải theo vì không có quyền lựa chọn.
Ngoài câu chuyện Trung tâm GDQP&AN sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn cho học viên, một điều đáng ngại nữa đó là việc chủ thầu lên tiếng “tố” cán bộ Trung tâm “vòi vĩnh” nhà thầu. Không những vậy, một sự thật khác cũng đang dần được hé lộ những dấu hiệu bất minh, “nâng đỡ không trong sáng” trong công tác đấu thầu.
Mời quý độc giả đón đọc kỳ 4: Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên: Bất minh trong công tác đấu thầu?