Chúng tôi trở lại bản Mỹ Á vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Đường vào đã dễ đi hơn nhưng cũng phải mất gần một giờ đồng hồ vật lộn với những con dốc dài dựng đứng, ngoằn ngoèo, lởm chởm đá tai mèo, chúng tôi mới vào được tới bản.

 Rượu ở đầy hầu hết đều do bà con tự nấu để đón Tết cổ truyền của dân tộc mình.

Rượu ở đầy hầu hết đều do bà con tự nấu để đón Tết cổ truyền của dân tộc mình.

Bản Mỹ Á chỉ với hơn 100 hộ dân người H’mông nhưng vẫn lưu giữ được phong tục Tết truyền thống. Vào ngày cuối năm, họ cũng mổ lợn, thắp hương cúng tổ tiên rồi ngồi quây quần bên mâm cỗ bên bếp lửa. Tuy nhiên, có điều đặc biệt, người H’mông không gói bánh chưng mà giã bành dày. Mỗi nhà đều có cối và chày gỗ để giã bánh. Cối giã bánh phải làm bằng gỗ thịt, thớ mịn, có mùi thơm được khoét rỗng ruột.

 Một phần thịt sẽ được người dân treo lên để chia cho mọi người, phần còn lại đem chế biến cho gia đình dùng.

Một phần thịt sẽ được người dân treo lên để chia cho mọi người, phần còn lại đem chế biến cho gia đình dùng.

Gạo làm bánh dày phải là gạo nếp mới. Gạo được đồ xôi chín tới, không để nát, rồi đổ ra cối giã. Nhịp chày phải thật đều cho đến khi bột nhuyễn, dẻo mịn mới đem nặn bánh. Công việc giã bánh thường đòi hỏi sức dẻo dai nên chủ yếu được giao cho người đàn ông trong nhà. Bánh dày mang cúng ông bà tổ tiên, sau đó sẽ đem ra thiết đãi khách đến chơi.

 Trên ban thờ của người HMông ở Mỹ Á ngoài thịt lợn, rượu, bánh còn có cuốc, xẻng, xà beng và dán tiền.

Trên ban thờ của người H'Mông ở Mỹ Á ngoài thịt lợn, rượu, bánh còn có cuốc, xẻng, xà beng và dán "tiền".

Cúng Tết là một nghi lễ rất quan trọng ở bản vùng cao Phú Thọ này. Người dân cúng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho gia đình sức khỏe, được mùa… Nhà nào cũng có bàn thờ, trên bàn thờ đều có gà, gạo, trứng, bánh dày, tiền mã… Ngoài ra họ còn thờ xà beng, cuốc, xẻng thể hiện năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn.

 Tiền cúng lễ độc đáo của người Hmông.

Tiền cúng lễ độc đáo của người H'mông.

Người H’mông thường dán “tiền” (tiền tượng trưng bằng giấy mỏng). Mỗi năm dán một lần, hết năm cũ lại tháo dỡ ra và dán lại vào năm mới, gửi gắm những mong muốn, mơ ước bình dị. Mâm cơm Tết sẽ không thiếu chén rượu tự nấu bằng những sản vật địa phương từ nếp nương, ngô, sắn...

 Dù giàu hay nghèo nhưng đến Tết của dân tộc mình, nhà nào ở Mỹ Á cũng mổ lợn để thiết đãi khách.

Dù giàu hay nghèo nhưng đến Tết của dân tộc mình, nhà nào ở Mỹ Á cũng mổ lợn để thiết đãi khách.

Theo chia sẻ của già làng Sùng A Vang, trước đây muốn xuống trung tâm xã phải chuẩn bị từ chiều hôm trước, nửa đêm gà gáy là đốt đuốc đeo dao, gùi mo cơm nắm lên đường. Đấy là ngày khô ráo, còn khi mưa nguồn suối lũ kéo về, thì vượt hơn chục cây số đường rừng là chuyện không tưởng.

Quen đi rừng, lội suối, bàn chân người Mông Mỹ Á cứ to bẹt ra như lưỡi cuốc tượng, nứt nẻ như củ sắn nương luộc quá lửa. Lòng bàn chân chai sần thách thức các loại đá nhọn, gai rừng.

 Vui, quây quần bên chén rượu xuân thơm nồng.

Vui, quây quần bên chén rượu xuân thơm nồng.

Có lẽ cũng vì cuộc sống nơi lưng trời, dốc núi quá khó khăn khắc nghiệt mà vóc dáng người Mông nơi đây thường nhỏ bé, khắc khổ, nhưng chất chứa bên trong là cả tâm hồn rộng mở, phóng khoáng như mây ngàn gió núi.

 Đội văn nghệ tập múa khèn “Xuân về bản Mông”.

Đội văn nghệ tập múa khèn “Xuân về bản Mông”.

Giờ đây, ngày Tết của người H'Mông Mỹ Á đã ấm no và rộn vang tiếng cười. Ngoài ra, khắp bản làng luôn rộn vang tiếng lời bài hát “Ơn Đảng” và “Xuân về bản Mông” do các chàng trai, cô gái miền sơn cước thể hiện trong tiếng cười giòn tan, xua đi những nhọc nhằn năm cũ, hướng về tương lai ngày càng tươi sáng...

Nhật Tân

Theo Giadinh.net.vn