Lãi suất tiết kiệm tăng
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 21/3/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%). Vốn tăng cao cùng với áp lực từ các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản... khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng.
Trong những ngày cuối tháng 3, có 10 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất tới 0,6 điểm % một năm.
Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (NamABank) vừa công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến mới, với nhiều kỳ hạn và có mức điều chỉnh cao nhất tới 0,3%/năm. Đây cũng là ngân hàng có mức điều chỉnh lãi suất cao nhất tính đến thời điểm hiện nay.
Tại kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3% lên 6,5%/năm; kỳ hạn 8 tháng tăng 0,2% lên 6,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1% lên 6,6%/năm; kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất tăng 0,3% lên 6,8%/năm.
Với mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng vẫn là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi online. Kỳ hạn 12-15 cũng có mức lãi suất 7,2%/năm.
Đối với tiền gửi tại quầy, NamABank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất với mức cao nhất là 6,7%/năm khi gửi kỳ hạn từ 18 tháng đến 23 tháng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) trước đó đã điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất lên thành 7%/năm, tăng 0,2%/năm so với hồi đầu tháng 3. Mức lãi suất này áp dụng cho tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 24 tháng.
Với lãi suất kỳ hạn 18 tháng tại VietCapitalBank cũng tăng 0,2%/năm lên 6,9%/năm trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên mức 6,6%/năm.
Còn một số ngân hàng khác như Bắc Á, Phương Đông, Hàng Hải, Đông Nam Á, Quốc tế, Đông Á... cũng tăng lãi suất tiết kiệm tại quầy từ 0,1% đến 0,2% một năm.
Với xu hướng nhích tăng lãi suất huy động đã được ghi nhận kể từ sau Tết Nguyên đán. Tuy vậy, với nhóm các ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, lãi suất huy động vẫn giữ ổn định ở mức 5,5-5,6%/năm.
Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần, phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ thêm từ 0,2-0,25% trong nửa cuối năm.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế Công ty Chứng khoán BVSC cũng dự báo, với áp lực gia tăng của lạm phát, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ duy trì ở mức tương đối cao, chứ khó có thể giảm. Tuy nhiên, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên năm nay vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt cung tiền. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Kìm lãi suất cho vay
Sự quan ngại về tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay là hiện hữu. Việc các ngân hàng thường xuyên tìm kiếm nguồn vốn rẻ trên thị trường thế giới, FED tăng lãi suất sẽ khiến chi phí vốn tăng mạnh hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong khi đó vừa ban hành kế hoạch hành động, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Cụ thể, về lãi suất, việc điều hành cần phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Nhưng diễn biến lãi suất trên thị trường đang không có lợi cho ngân hàng. Việc giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm sẽ là thách thức lớn. Chưa kể, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu lợi nhuận cao trong năm 2022, vì vậy có thể sẽ tăng lãi suất cho vay khi lãi suất huy động tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam năm 2022 là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách phải hướng đến nhiệm vụ này, nên lãi suất không thể tăng, bởi nếu lãi suất tăng thì sẽ cản trở phục hồi.
Đồng thời, một số ý kiến cho rằng, năm 2020 và 2021, các ngân hàng đã kiếm lớn từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm nhỏ giọt. Hiện tại, hệ số NIM (chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) của nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao, nên lãi suất huy động tăng không tác động quá lớn đến lợi nhuận ngân hàng. Ngoài ra, tín dụng năm nay dự báo tăng mạnh hơn sẽ giúp các nhà băng có thêm lợi nhuận. Vì vậy, không được để lãi suất cho vay thiết lập mặt bằng mới cao hơn.
Với việc lãi suất cho vay tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào của DN tăng, trong khi giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào đã tăng cao. DN không chịu nổi sẽ phải tăng giá bán, dẫn tới tổng cầu có thể bị tác động xấu và bắt đầu trì trệ, thậm chí sụt giảm. Nếu không tăng giá bán, sẽ đẩy nhiều DN vào khó khăn và có thể phải đóng cửa.
Lãi suất cho vay tăng, có thể khiến gói kích thích kinh tế vừa được Chính phủ ban hành mất tác dụng. Cho dù DN có được hỗ trợ 2% lãi suất vay thì cũng không còn hiệu quả. Khi đó, sự hồi phục kinh tế sau dịch Covid sẽ bị giáng một đòn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế sẽ đẩy lãi suất huy động tăng. Tốc độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.
Tuy nhiên, nguy cơ còn có thể đến từ những ngân hàng nhỏ, thanh khoản yếu, cơ cấu tiền gửi không tối ưu, cầu vốn nhiều. Những ngân hàng này, sẽ phải tăng lãi suất cao hơn các ngân hàng còn lại, để huy động. Khi các ngân hàng này đẩy lãi suất tăng cao, dễ dẫn đến cuộc đua hút tiền gửi, khiến cho mặt bằng lãi suất huy động tăng. Nếu điều này xảy ra, dự báo sẽ lãi suất huy động 2022 sẽ tăng cao hơn nhiều so với bình quân năm 2021.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/lai-suat-huy-dong-dong-loat-tang-tai-cac-ngan-hang-65977.html