Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh một phụ nữ bị bỏng toàn mặt, mất hết lông mày, lông mi do làm đẹp bằng phương pháp có tên là Cồn nhân sâm (đốt cồn trên mặt).
Tài khoản facebook này cho biết đây là "tác phẩm của 1 Spa tại Phan Rang" (Ninh Thuận). Vị khách này sau khi được chính chủ spa tư vấn làm phương pháp Cồn Nhân Sâm cho nở lỗ chân lông đẹp da (...). Dòng trạng thái cũng chia sẻ nguyên do, cách làm được người nhà vị khách kể lại là rưới cồn lên mặt rồi bật lửa xông hơ.
Hình ảnh vị khách kém may mắn
Một clip trên mạng cho thấy hình ảnh một cách massage, làm đẹp bằng đốt cồn trên cơ thể khách chỉ qua một vài lớp khăn.
Theo đó, một nhân viên spa liên tục châm lửa (cháy như dạng nướng mực khô) lên tấm khăn trùm khắp người khách (có giọng nam giới). Sau đó khoảng hơn 10-15 giây, nhân viên spa tiếp tục trùm thêm khăn lên tấm khăn trước đang cháy bừng bừng.
Chỉ trong vài phút clip, nhân viên spa liên tục thực hiện hành động này. Khi thì châm lửa cồn trên khu vực lưng trên, rồi lưng dưới... Thỉnh thoảng, nhân viên này có xoa bóp phần cổ gáy cho vị khách này. Khi lửa châm không cháy, nhân viên spa tiếp tục rưới cồn lên khăn phủ trên người khách.
Trong phần đối thoại của người quay clip với nhân viên spa, bất ngờ nhân viên này còn nói, phương pháp này đã được Bộ Y tế cấp phép (??!!) và khẳng định đã có nghiên cứu khoa học chứng minh, hợp pháp vì làm như thế không hề ảnh hưởng tới các huyệt, làm nóng cơ thể như "giác hơi".
Clip nhân viên spa nói biện pháp này được cấp phép
Nhân viên châm lửa phừng phừng qua tấm khăn đắp trên người khách. Ảnh cắt từ Clip
Không ít cơ sở làm đẹp tư nhân đang "thần thánh" hoá công dụng của hoả trị liệu và cồn nhân sâm với các tác dụng như làm đẹp da, giảm béo, giữ vóc dáng, lưu thông khí huyết....
Chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng, chưa được Bộ Y tế công nhận
Nói về hoả trị liệu và cồn nhân sâm, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, hỏa trị liệu nguyên tắc là phương pháp dùng ngải cứu xông vào huyệt.
Với hoả trị liệu giúp cơ thể điều tiết khí huyết, loại bỏ phong hàn, giải độc... trong cơ thể. Về sau, nhiều phương pháp hoả trị liệu hiện đại phát sinh như xông hơi nóng, xông hơi khô… nhằm cho cơ thể ra mồ hôi, lưu thông khí…
Tuy nhiên cho đến hiện nay, phương pháp hỏa trị liệu vẫn chưa được công nhận trong giới khoa học, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào được công bố đây là cách chữa bệnh, làm đẹp đáng được hoan nghênh.
Còn với phương pháp đổ cồn đốt nóng… đây được đánh giá là phương pháp hiện đại, tuy nhiên, chưa có ghi chép trong y văn và được Bộ Y tế công nhận.
Cũng theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, cần thiết phải đánh giá nghiêm túc về sự nguy hại của cơ thể khi sử dụng phương pháp này. Theo ông, bất cứ nơi nào sử dụng phương pháp chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền cho phép đều là phạm pháp.
Chuyên gia về y học cổ truyền lưu ý thêm về kỹ năng, tay nghề của người làm, khi nếu không có kiến thức về y học cổ truyền, không có kỹ thuật về hỏa trị liệu thì khi thực hiện rất dễ mắc sai lầm như gây bỏng cho người bệnh, làm rối loạn khí huyết...
Ai không được dùng hoả trị liệu?
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, nếu thực hiện hỏa trị liệu mà không thăm khám bệnh, không xác định cơ thể người bệnh là thể hàn/nhiệt mà đã áp dụng thì nguy cơ gây hại sức khoẻ là có thể xảy ra.
Phương pháp hỏa trị liệu chỉ hợp với trường hợp hư hàn, co cơ do lạnh, người thể hàn. Bởi lẽ phủ khăn đổ cồn lên và đốt như vậy có tác dụng ôn ấm, trừ phong hàn, trợ dương, có tác dụng điều trị bệnh do khí lạnh gây ra như đau lưng, đau vai gáy, viêm xương khớp do hàn.
Nhưng với những người mắc bệnh suy thận, ung thư, bệnh tim mạch, thể trạng gầy yếu, cơ thể nóng… dùng hỏa trị liệu sẽ làm sức khỏe suy yếu, rối loạn khí huyết. Phương pháp hỏa trị liệu thường được sử dụng ở những nước xứ hàn đới như Trung Quốc nhiều hơn. Việt Nam là xứ sở cận nhiệt đới nên bác sĩ Đông y rất ít áp dụng.
Q.An