Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư vòm họng so với các bệnh ung thư khác tương đối cao, lên tới 1-12%. Trong số đó có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn cuối, điều này khiến cho việc điều trị
Ung thư vòm họng diễn biến như thế nào?
Ung thư vòm họng khởi đầu từ các tế bào biểu mô ở khu vực vòm họng. Bình thường, các tế bào biểu mô này được phân chia theo trật tự nhất định, nhưng đôi khi chúng không kiểm soát được sự phân chia đó, dẫn đến việc xuất hiện các khối u.
Các khối u (tế bào ung thư) này sau một thời gian xuất hiện và phát triển sẽ dần di căn xuống các cơ quan khác, nếu không được điều trị và phát hiện kịp thời chúng sẽ ngày một lớn dần và có thể dẫn tới tử vong.
Ung thư vòm họng có thể gặp ở tất cả mọi độ tuổi nhưng chủ yếu là trong độ tuổi từ 40 - 60 và phần lớn bệnh nhân là nam giới.
Dấu hiệu ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng do rất nhiều nguyên nhân gây nên, chủ yếu là do người bệnh sử dụng rượu, hút thuốc lá, tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp độc hại, ăn nhiều thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối hoặc có thể do yếu tố di truyền...
Dưới đây là một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết ung thư vòm họng:
Chảy máu cam
Dấu hiệu xuất hiện sớm nhất khi bị ung thư vòm họng là tình trạng bệnh nhân bị chảy máu cam.
Tuy nhiên chảy máu cam cũng là biểu hiện thường gặp của rất nhiều căn bệnh khác nên rất khó nhận biết và dễ dàng chẩn đoán nhầm. Trong trường hợp thường xuyên thấy dấu hiệu này thì người bệnh cần đi khám sớm.
Đau đầu, nghẹt mũi
Những biểu hiện này tương tự với viêm xoang, tuy nhiên người bệnh cũng cần lưu ý.
Trước tiên, dấu hiệu có thể thấy nghẹt một bên mũi rồi dần nghẹt cả 2 bên khi khối u to lên. Tuy nhiên giống với dấu hiệu chảy máu cam, chứng nghẹt mũi này cũng là biểu hiện thường gặp của các bệnh về đường tai - mũi - họng. Vì vậy cần tới các bệnh viện chuyên khoa để có kết luận chính xác nhất.
Ù tai, đau trong tai
Nếu thấy ù tai, nghe kém, đau trong tai, chảy tai thì đó cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị ung thư vòm họng.
Các triệu chứng trên xuất hiện là do khối u phát triển đè lên loa vòi nhĩ là một đường từ vùng mũi họng thông lên tai, vì thế cần phải cẩn thận nếu như phát hiện bản thân có những dấu hiệu này.
Nổi hạch cổ, ho kéo dài
Đây cũng là một trong những dấu hiệu của ung thư vòm họng. Theo những báo cáo thống kê bệnh ung thư vòm họng di căn phần cổ chiếm 40 - 85% các ca bệnh. Vì vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết nên các tế bào ung thư dễ dàng di căn hạch cổ.
Ngoài ra bệnh nhân có thể kèm theo một số triệu chứng bệnh khác như khó nuốt, thay đổi giọng nói, ho kéo dài hay giảm thị lực.
Biến chứng của ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng khi được phát hiện nhưng không chữa trị dứt điểm có thể gây ra những hậu quả khó lường. Nguy hiểm nhất là dẫn tới tử vong, ở mức độ thấp hơn thì có thể gây ra những biến chứng sau:
- Gây ra các hội chứng nội sọ liên quan đến não và các dây thần kinh sọ như bị lác mắt, mất cảm giác ở họng, mất phản xạ nuốt… Lúc này u phát triển to vào trong não sẽ dẫn tới tăng áp lực nội sọ, gây nhức đầu, nôn ói, thậm chí gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
- Khi ung thư vòm họng bước vào giai đoạn cuối, bệnh lúc này sẽ xâm lấn xuống vùng mũi - họng, khẩu cái, khoang miệng, xâm lấn hốc mắt gây lé mắt, lồi mắt, mù…Ung thư vòm mũi họng di căn xa ở não, xương, phổi, gan và các bộ phận khác, đặc biệt là ở phổi và xương cho thấy bệnh đã di căn.
Khi bệnh đã di căn là báo hiệu bạn đã vào giai đoạn cuối của bệnh ung thư và khi này khó có thể điều trị bệnh khỏi một cách hoàn toàn.
Cách phòng bệnh
Đến nay vẫn chưa có cách phòng tránh đặc hiệu đối với ung thư vòm họng. Tuy nhiên, để phòng tránh các loại bệnh ung thư cũng như để bảo vệ sức khỏe thì mỗi người cần có lối sống lành mạnh, ăn uống, sinh hoạt điều độ để tăng cường sức đề kháng, hạn chế những nguy cơ gây ra ung thư.
Để hạn chế nguy cơ gây ung thư vòm họng, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, việc từ bỏ thuốc lá làm giảm đáng kể nguy cơ gây ung thư vòm họng. Nếu bạn không hút thuốc lá, bạn đã tránh xa được một tác nhân rất lớn gây nên căn bệnh này.
- Hạn chế uống rượu bia và các đồ uống có cồn.
- Hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều muối như thịt muối, cá muối, các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối...
- Không ăn đồ ăn quá nóng có thể gây tổn thương hầu họng dẫn đến ung thư vòm họng.
- Tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.