Theo Báo cao năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tài nguyên văn hóa của Việt Nam được xếp hạng 29/140, đứng thứ 2 trong Đông Nam Á, tài nguyên tự nhiên được xếp hạng 35/140, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Với những thế mạnh nổi trội như vậy, tài nguyên du lịch của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp vào danh sách các nước dẫn đầu thế giới.

Không chỉ vậy, vừa qua, du lịch Việt Nam cũng đã giành được nhiều giải thưởng uy tín như: Điểm đến hàng đầu châu Á năm 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á - Hội An.

Du lịch Việt đối mặt nhiều thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch lần 2 năm 2019, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay, năm 2019, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp. Nhân lực và thị trường giảm 10 bậc; bền vững về môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế cũng là một trong nhưng lý do ảnh hưởng đến lượng du khách quốc tế đến với Việt Nam...

Cũng bàn về những thách thức, rào cản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và còn có ảnh hưởng lớn tới các ngành có mối quan hệ chặt chẽ với du lịch như hàng không, bất động sản, thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những bước tăng trưởng ấn tượng, cũng bộc lộ nhiều áp lực, thách thức với Chính phủ, các bộ, ngành cùng các doanh nghiệp vì sự tăng trưởng nóng lại chưa đi kèm với các yếu tố bền vững và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

"Bài toán nâng cao năng suất lao động, ứng dụng các nền tảng công nghệ, liên kết và hợp tác theo chuỗi, tăng cường trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường là những vấn đề rất nóng trong nhiều ngành nhưng với du lịch - dịch vụ và hàng không càng quan trọng hơn", Bộ trưởng Dũng cho biết.

Cải thiện trải nghiệm, thu hút khách quốc tế quay trở lại

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng đặt ra bài toán làm sao để cải thiện trải nghiệm của du khách tại các điểm đến. Bởi lẽ, nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (10 - 40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình khoảng 900 USD cho một chuyến 9 ngày.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm du lịch là do doanh nghiệp tự làm, mang tính chất tự phát nên còn trùng lặp, thiếu sáng tạo... Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nhất là những điểm đến ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận, nên các địa phương cần ưu tiên sớm làm những con đường đến các điểm du lịch này.

Thảo luận về vấn đề trên, ông Kenneth Atkinson cũng nhận định rằng, tuy đứng đầu Đông Nam Á, nhưng số lượng khách trở lại Việt Nam tương đối thấp.

Để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, ông Kenneth Atkinson cho rằng, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh... “Việc ứng dụng công nghệ, cải thiện trang website xin visa điện tử cũng sẽ cải thiện trải nghiệm dịch vụ và góp phần thu hút du khách”.

Cùng tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng một dự án dài hạn phát triển du lịch, ông Gareth Ward, Đại sứ Anh chia sẻ, ngành du lịch Việt Nam cần hướng đến tính bền vững của du lịch như quản lý nhựa, chất thải, rác thải… Bên cạnh đó, ông Gareth Ward cũng cho rằng, cần phát triển du lịch dựa trên những trải nghiệm cho du khách, như sự kiện đua xe công thức một sắp tới tại Việt Nam, sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch quốc tế lưu trú dài ngày.

Đại sứ Anh đưa ra sáng kiến phát triển du lịch tại Việt Nam

Qua những chia sẻ, đóng góp ý kiến đánh giá của các chuyên gia, nhà chuyên môn, có thể thấy rằng, để nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tương lai, còn rất nhiều việc du lịch Việt cần phải làm, trọng tâm như: Xây dựng chiến dịch truyền thông và cải thiện các thông điệp về Việt Nam trên các kênh truyền thông khu vực, quốc tế, đặc biệt tại các thị trường mục tiêu...; phát triển hàng không để hỗ trợ du lịch thu hút khách quốc tế.

Cải thiện đề xuất/phản hồi của các du khách từng tới Việt Nam để tiếp tục tạo cảm hứng cho các du khách; cơ chế để vận hành hiệu quả các văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài; nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, đề xuất giải pháp tăng cường trải nghiệm của khách du lịch tại các điểm đến du lịch; chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; cải thiện trải nghiệm du khách trong các khâu xin các giấy phép du lịch, đặt dịch vụ trong hành trình, nhất là vấn đề về visa…

Có như vậy, du lịch Việt mới thực sự được cất cánh, từng bước tiến tới mục tiêu năm 2020, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế xã hội, các sản phẩm du lịch đa dạng có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới./.

(Ảnh: Vnexpress)

Theo Reatimes