Chế độ “thần thánh” giúp tiết kiệm 10 lần tiền điện?
Mới đây, chúng ta đã được biết về một cách sử dụng điều hòa siêu tiết kiệm điện trong những ngày hè nóng bức. Đó chính là sử dụng điều hòa ở chế độ "Dry" - làm khô với biểu tượng là giọt nước, thay vì "Cool" - làm mát có biểu tượng bông tuyết.
Từ dòng status trên Facebook của Sue Evison (Australia) mách nước: Chỉ cần dùng điều khiển để chuyển chế độ từ làm mát "Cool" sang chế độ làm khô hay hút ẩm "Dry" sẽ không chỉ giúp không khí trong phòng luôn mát mẻ mà còn giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa nhiệt độ xuống tới 10 lần, hàng nghìn người dùng mạng Việt Nam đã hí hửng chia sẻ lại và bắt chước cách làm này.
Về cơ bản, có thể hiểu rằng chế độ Dry có cơ chế làm mát bằng cách khử nước, giữ lại hơi ẩm và trả lại không khí khô ráo, dễ chịu lại cho căn phòng. Hơi ẩm chính là một trong những lý do tạo cảm giác oi bức, vì thế quá trình khử nước có thể đồng thời hạ nhiệt cho căn phòng của chúng ta.
Trong khi đó, chế độ Cool hoạt động bằng cách sử dụng quạt, đẩy nhiệt lượng từ trong phòng ra bên ngoài thông qua cục nóng. Quá trình này yêu cầu công suất điện rất cao, và cũng chính vì thế việc sử dụng Dry tiết kiệm điện hơn rất nhiều lần.
Nhưng...
Mới đây, một dân mạng Việt đã lên tiếng bóc mẽ chế độ dry “thần thánh” đó chẳng có tác dụng gì, còn làm hỏng cả điều hòa nhà mình. Chưa đến 1 ngày, dòng status bóc mẽ này cũng thu hút 14.000 lượt like và số lượt chia sẻ “khủng” tương đương, làm nổ ra cuộc tranh luận dữ dội giữa các cư dân mạng.
Người này bức xúc viết: “Cảnh báo! Mọi người đừng có share với làm theo cái chế độ “DRY” với biểu tượng giọt nước gì đó nữa nha. Chả biết nhà ai thế nào chứ nhà em 3 cái máy lạnh với 1 cái trên shop nữa là 4, cũng đua đòi tiết kiệm điện theo như trên mạng, chuyển từ chế độ COOL sang DRY mà hôm qua phải gọi thợ đến sửa hết cả 3 cái vì chỉ mát được tí mấy bữa đầu, còn sau đó có bật kiểu gì nó cũng không mát cho nữa. Chính nhưng nhân viên sửa chữa đó nói với em là muốn làm giàu cho bọn em hả chị? Sao giờ nhà nào cũng thấy dùng chế độ DRY này, bữa giờ sửa cũng phải mấy trăm cái máy lạnh bị hư y chang nhau”.
Không chỉ “tố” việc mình bị mất tiền oan để sửa điều hòa nhiệt độ mà chẳng được tí mát mẻ nào, người này còn đặt nghi vấn: “Giờ thì em nghi ngờ cái hình ảnh biết bao nhiêu người share cả tháng nay là chiêu trò của một người nào đó làm bên điện lạnh quá mấy chế ơi! Không biết tiết kiệm được bao nhiêu mà sửa hết mấy cái, bằng tiền điện cả tháng rồi! Em xin chừa, từ giờ là khỏi bắt chước cái gì trên mạng nữa!”.
Điều thú vị là mẹo tiết kiệm của Sue Evison được hưởng ứng bao nhiêu, thì status “tố” kia cũng gây bão bấy nhiêu. Nhiều bạn bè của nick “tố” đã hùa vào xác nhận việc chế độ dry đã khiến họ “mang họa”, thậm chí là làm ốm các em bé. Nick Từ Ngọc Uyên khuyên: “Nhà có em bé đừng xài chế độ dry chị ơi, em cũng có đọc nhưng thấy không hợp lí nên không làm. Bình thường bật điều hòa đã khô da rồi, còn chỉnh dry nữa chắc người quéo hết nước luôn!”. Còn Jyni Pham thì kể: “Nhà chị có thằng nhóc con, để chế độ này vài hôm. Nó ho sổ mũi viêm hô hấp trên luôn. Chừa chế độ này khi ở trong phòng”.
Facebooker Trương Thảo Ngân cũng ấm ức than thở: “Trời, hèn gì, em cũng nghe bạn nói, bật qua chế độ dry, được 1 tuần nó hư luôn cái điều hoà. Mở máy lên nó không lạnh mà nó tắt máy luôn mới ghê. Kêu thợ qua, họ nói hư cái bo gì đó thay mất 550.000 đồng + công 50.000 đồng nữa là 600.000 đồng đó chị.Vậy lo đổi lại chế độ cool gấp đi chị ơi”.
Nick Mai Mai cũng cho rằng: “Nhà em bị y chang, giờ bật công tắc trên điều hòa thì chạy mà bật bằng điều khiển thì nó tắt luôn”.
Tuy nhiên, không đồng ý với những quan điểm trên, nhiều dân mạng xác nhận, mình đã sử dụng chế độ dry và thấy hiệu quả rõ rệt, như nick Anh Đào Nguyễn Thị bình luận: “Nhà mình mua điều hòa 3 năm nay và bật toàn dry thôi. Vì mình thấy vừa chứ không lạnh lắm. Mình bật khoảng 3 giờ lúc trưa và tầm 3 giờ lúc đi ngủ. Khuya mình tắt. Điện thì không quá 300.000 đồng/tháng. Hư thì chưa thấy. Mình nghĩ nên linh hoạt. Nóng quá thì qua cool, hơi nóng thì dry thôi ạ”.
Nick Minh Phương cũng đồng ý: “Em dùng 2 năm rồi nhá, điều hòa phòng em chả bị sao cả. Con em cũng chẳng thấy viêm phổi nhé. Nóng như mấy hôm vừa rồi thì để cool, còn hơi nóng thì cứ tầm 10 giờ tối bật điều hòa em để cool, 12 giờ đi ngủ em để dry và hẹn giờ 4 - 5 tiếng”.
Một số dân mạng khác, đặc biệt là nam giới thì cho rằng, việc “tố” này thực ra chỉ là trò câu like, và không thể có chuyện điều hòa bị hỏng do thường xuyên sử dụng một chế độ được. Việc điều hòa của người “tố” bị hỏng, hoặc là do hỏng sẵn, hoặc là bị thợ sửa điều hòa lừa; còn chuyện mát hay không mát còn tùy thuộc vào độ ẩm thực tế của không khí. Một số người phát hiện, người “tố” đang sống ở Đà Nẵng, một thành phố có độ ẩm không khí thường ở mức thấp, nên việc chế độ dry của người này không hữu dụng là hoàn toàn có cơ sở.
Nick Tuyến Đặng gay gắt chất vấn: “Câu like vớ vẩn thôi, không tin được đâu. Người ta nói để dry thì nó sẽ làm khô không khí, như vậy mồ hôi thoát nhanh nên cảm thấy mát. Chỉ định cho những nơi có độ ẩm cao. Chỉ thấy chạy dry tiêu thụ ít điện hơn so với chế độ cool, chưa thấy ai nói là chạy dry làm hỏng điều hòa. Còn người này viết là chạy như thế làm điều hòa của họ hỏng thì giải thích đi? Lý do vì sao hỏng? Nhà hỏng 4 cái điều hòa thì chắc chắn phải hiểu vì sao hỏng rồi. Chứ nói xuông thì ai tin? Vậy ngày mai tôi nói rằng bật điều hòa 24/24 sẽ tiết kiệm điện thì mọi người có ai tin không?”.
Nick Quang Mèo Ú thì chế giễu: “Xài điều hòa mà không biết gì rồi la lên, thật là sợ các chị. Cái chế độ đó là hút ẩm nếu nhà ở khu vực hay bị ẩm hay mùa mưa thì nên xài còn mùa nắng khô xài làm chi. Người ta thiết kế ra là có công năng, mấy chị không biết, cứ nghe trên mạng này nọ rồi la um lên. Cũng thưa rằng chị nào nghe mấy ông thợ bảo dùng chế độ này hư này nọ không mát là sai nhá, chỉ cần tháo lưới ra rửa lại và nếu còn dơ nặng thì rửa điều hòa luôn, tốn có 100.000 đồng tiền công thôi là mát lại rồi. P.s: các chị em có xài gì cũng nên đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng rồi xài, đừng xài khi không hiểu biết nhá!”.
Ngày nắng nóng, độ ẩm thấp, chế độ Dry không có ý nghĩa gì!
Giải đáp cho những tranh cãi gay gắt này của dân mạng, ông Trương Thái Định - PGĐ Trung tâm bảo hành và dịch vụ khách hàng 1 siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội, cho hay, thời gian gần đây, ông có biết đến thông tin cư dân mạng chia sẻ cách tiết kiệm điện cho điều hòa nhiệt độ bằng 1/10 bình thường bằng cách chuyển từ chế Cool sang Dry.
Ông phân tích, chế độ Cool (mục đích chính là làm lạnh) có tác dụng giảm nhiệt độ phòng xuống đến nhiệt độ cài đặt mong muốn trên điều khiển từ xa và duy trì nhiệt độ đó trong dải cho phép, đồng thời nó cũng khống chế một phần độ ẩm trong không gian điều hòa.
Còn chế độ Dry (mục đích chính là khử ẩm) thực hiện chức năng khử độ ẩm của không khí trong phòng và duy trì nhiệt độ phòng không vượt quá so với nhiệt độ của phòng lúc bắt đầu thực hiện chế độ khử ẩm. Về bản chất, hoạt động của các thiết bị có tiêu thụ điện năng trong máy điều hòa nhiệt độ là giống nhau, sự khác nhau chính ở đây chính là mốc nhiệt độ so sánh hoạt động.
Theo ông, chế độ làm lạnh sẽ hoạt động để duy trì nhiệt độ do khách hàng cài đặt. Ví dụ nhiệt độ phòng là 32⁰C, khách hàng cài đặt trên điều khiển từ xa là 26⁰C, máy điều hòa sẽ giảm nhiệt độ phòng về 26⁰C và duy trì nhiệt độ là ̴ 26⁰C. Còn chế độ Dry kích hoạt sẽ hoạt động để duy trì nhiệt độ trong phòng tại thời điểm kích hoạt chế độ (khách hàng không thể cài đặt được nhiệt độ).
Ví dụ như nhiệt độ phòng là 32⁰C, bấm nút chạy chế độ Dry, máy sẽ duy trì nhiệt độ phòng chêch lệch không quá 2⁰C. (30-34⁰C), và vì thế nó sẽ không có hiệu quả nếu muốn làm lạnh sâu. Tùy thuộc điều kiện môi trường hoạt động, các cài đặt trên điều khiển mà việc tiết kiệm năng lượng của 2 chế độ này mới được đánh giá cụ thể và chính xác, khó thể nói chế độ nào tiết kiệm năng lượng hơn. Chế độ Dry có giúp tiết kiệm điện nhưng không phải là gấp 10 lần như lời cư dân mạng đồn đại.
Ông cũng cho hay, thông tin sử dụng thường xuyên chế độ dry sẽ làm hỏng điều hòa là không xác thực, vì nó cũng chỉ là một chế độ hoạt động của máy điều hòa được nhà sản xuất tích hợp sẵn. Người dùng có thể sử dụng bình thường tùy theo mục đích, và nó không hề ảnh hưởng tới tuổi thọ của thiết bị điều hòa hơn các chế độ khác như là làm lạnh hay sưởi ấm.
Ông Trương Thái Định cũng tư vấn, để sử dụng điều hòa nhiệt độ thông minh nhất, đảm bảo các yêu cầu: tiện lợi, tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe, người dùng phải chú ý, ngoài việc lắp đặt phải theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất, không nên để nhiệt độ cài đặt chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ môi trường bên ngoài (khuyến cáo nhiệt độ cài đặt cho làm lạnh là 26-28⁰C, sưởi là 20-24⁰C); không nên tiếp xúc trực tiếp với luồng gió điều hòa quá lâu, sử dụng các chế độ tiết kiệm sẵn có (mắt thần thông minh, Econo, chế độ hoạt động về đêm... ) và quan trọng là thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng cho máy điều hòa nhiệt độ, thời gian vệ sinh tùy theo môi trường hoạt động.
Theo tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phương pháp sử dụng chế độ Dry ở điều hòa thực sự tiết kiệm điện hơn dùng chế độ Cool, còn khả năng làm mát thì không mấy tác dụng nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao.
Ông Thịnh giải thích: Khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng tiệu thụ cần khá nhiều.
Ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn. Chế độ này tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.
Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời không quá nắng nóng (khoảng dưới 36 độ C) và độ ẩm cao, việc sử dụng chế độ Dry sẽ rất hiệu quả trong việc tạo cảm giác dễ chịu trong phòng, và tiết kiệm điện. "Ở cùng 30 độ C nhưng nếu độ ẩm không khí là 60% thì sẽ dễ chịu hơn nhiều so với mức độ ẩm 90%. Chế độ Dry sẽ giúp hút ẩm, giảm độ ẩm xuống, khiến người ta cảm giác đỡ bức bối hơn, dù nhiệt độ vẫn để ở mức cao", tiến sĩ Thịnh giải thích.
Theo tiến sĩ Thịnh, những ngày nắng nóng mà độ ẩm thấp thì việc sử dụng chế độ Dry không có ý nghĩa gì mấy bởi nó không có chức năng làm giảm nhiệt độ, khiến không khí trong phòng vẫn nóng, khó chịu và khi đó, lựa chọn duy nhất để làm mát là chuyển sang chế độ Cool./.
Các cách tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa:- Khi sử dụng cần đảm bảo phòng được đóng kín (không mở cửa quá lâu) cũng như tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào phòng để tránh làm hao điện năng và máy hoạt động quá tải. - Tắt các bóng đèn không cần thiết giúp quá trình làm lạnh nhanh hơn, Không tắt bật hay điều chỉnh máy quá nhiều vì để khởi động lại máy sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, vậy nên hãy duy trì nhiệt độ ổn định. - Nếu kết hợp với quạt gió và để để một chậu nước mát sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vì quạt giúp lưu thông khí mát trong phòng. - Bạn sẽ cảm thấy mát hơn mà không cần hạ nhiệt độ (tiết kiệm điện năng) cũng như tránh cảm giác khô mà vẫn tiết kiệm điện năng vì quạt tiêu thụ ít điện hơn. - Bạn nên tắt điều hòa khi ra khỏi nhà, trước khi ngủ khoảng 1 đến 2 tiếng hoặc khi nhà đã mát đều. Tắt hẳn máy bằng Attomat vì nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa thì máy vẫn sẽ tiêu thụ điện ngầm. |