Các phụ phẩm từ tôm có thể chế biến thành các sản phẩm bột canxi nano giàu dinh dưỡng (Ảnh TL) 

Phụ phẩm tôm là những phần sẽ bị bỏ đi trong quá trình chế biến như: đầu, vỏ, gan, tụy. Năm 2017 con số phụ phẩm riêng ngành tôm khoảng trên 320.000 tấn phụ phẩm tôm và dự kiến tới năm 2025 sẽ tăng thêm lên 60%, đây được coi là “mỏ vàng” nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. 

Tuy nhiên, điểm nghẽn trong chuỗi giá trị ngành thủy sản Việt Nam là các doanh nghiệp ít chú trọng việc sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm. Do đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động này trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt, trong tái cơ cấu sản xuất ngành thuỷ sản, mục tiêu là chế biến sâu, tăng cường chế biến sản phẩm giá trị gia tăng và đặc biệt là “chế biến hết”. “Để hiện thực mục tiêu“chế biến hết”, thời gian tới, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tận dụng tốt nhất nguyên liệu sẵn có, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao có thể phục vụ cho con người, cho ngành mỹ phẩm, y tế”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản ông Trần Đình Luân chỉ rõ, các phụ phẩm từ tôm và cá có thể chế biến thành các sản phẩm bột canxi nano giàu dinh dưỡng hay nhiều sản phẩm collagen phục vụ trong ngành mỹ phẩm mang lại giá trị cao. 

Cùng với đó, để phát triển các sản phẩm này, doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề phát triển thị trường với sự hỗ trợ của toàn hệ thống như các cơ quan tại nước ngoài tìm hiểu điều tra hướng tới giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm tiếp cận thị trường nhanh và hiệu quả nhất.

TS. Nguyễn Mạnh Dũng - Nguyên Trưởng phòng Phát triển thị trường nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận xét: “Có thể nói phụ phẩm tôm hiện đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến tôm nói riêng và chế biến thủy sản nói chung do bị phân hủy tự nhiên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhưng nếu biết tận dụng để chế biến thì đó là một nguồn nguyên liệu quý, một “mỏ vàng” cho ngành chế biến tạo ra các sản phẩm sinh học”.

Đồng quan điểm, ở góc độ doanh nghiệp, vị đại diện Công ty cổ phần VietNamFood từng đánh giá, sẽ là hành động “ném tiền qua cửa sổ” nếu không khai thác phụ phẩm, vì không thể tích trữ lại sau khi lấy phần nguyên liệu cần thiết. Hơn nữa, nếu không khai thác đúng cách, sẽ gây hiểm hoạ ô nhiễm môi trường. 

“Nếu dùng cách tính như nước ngoài, phụ phẩm tôm Việt Nam có thể đóng góp ít nhất 10% trong chiến lược giá trị ngành tôm. Nhưng để đạt được điều đó, cần phải đầu tư ‘cho tới’ vào khoa học công nghệ, máy móc thiết bị, cũng như người lao động có tay nghề”, Vị đại diện VietNamFood chia sẻ.

Đức Minh

Theo congluan.vn