Sự phát triển nhanh chóng của GrabFood
Theo trang Kantar Worldpanel, giao thức ăn trực tuyến đang là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Song song với đó, lĩnh vực giao hàng hiện đang chiếm 10% tổng giá trị của thị trường đồ ăn thức uống bên ngoài, con số này còn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Cùng với sự phát triển cấp số nhân của thị trường TMĐT Việt Nam, "miếng bánh" giao nhận thức ăn trực tuyến, trị giá 33 triệu USD này đã chứng kiến cuộc đua khốc liệt trong năm 2018. Các tay chơi vừa mới vừa cũ là GrabFood, GoFood và Now đã và đang tung ra hết các chiêu và tiềm lực kinh tế để thống lĩnh thị trường.
Trong những năm qua, ứng dụng gọi món Now của Foody là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng bởi đã có tên tuổi trên thị trường, vận hành ổn định và hệ thống nhà hàng rộng khắp với 20.000 đối tác, có mặt trên 12 tỉnh thành. Đó là nhờ vào hệ sinh thái Foody đã xây dựng được lực lượng người dùng từ trước với tính năng review nhà hàng hay đặt bàn qua Table Now và giờ đây là gọi món qua Now.
Nhưng sự lấn sân sang thị trường gọi món của Grab vào giữa năm 2018 có lẽ đang là mối đe doạ cho vị trí độc tôn của Now. Chỉ sau 7 tháng, GrabFood đạt được những dấu mốc ấn tượng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mơ ước. Dịch vụ này của Grab đã vươn vòi ra tổng cộng 15 tỉnh thành, với số lượng đơn hàng tăng 20 lần, đối tác nhà hàng tăng 10 lần, thời gian giao hàng 20 phút nhanh nhất thị trường cũng như số lượng shipper đứng đầu. GrabFood đã chính thức gia nhập cuộc đua ứng dụng đặt món hàng đầu Việt Nam.
Tham vọng phủ sóng toàn quốc
Không giấu giếm tham vọng chia lại thị phần trên thị trường, có thể thấy GrabFood từ những ngày đầu đã hoạch định chiến lược phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Tận dụng mọi nguồn lực tài chính, mạng lưới để đánh một "canh bạc lớn" với các đối thủ.
Về chiều rộng, GrabFood nhanh chóng tận dụng mạng lưới tài xế Grab với 175.000 người, có mặt trên 15 tỉnh thành cả nước để vươn lên phủ sóng mạnh mẽ như mảng gọi xe của mình, "hớt tay trên" thị trường trước khi các đối thủ kịp trở tay. Cũng có thể thấy rằng, Grab hiện đang có ưu thế về công nghệ và dữ liệu khách hàng rộng lớn. Điều này cho phép GrabFood có thể dễ dàng hiểu rõ và nắm bắt được những sở thích ẩm thực của khách hàng Việt Nam.
Trong thị trường giao nhận thức ăn, nhiều chuyên gia nhận định vấn đề cạnh tranh không chỉ ở hàng loạt chương trình khuyến mãi như ngành bán lẻ, mua sắm trực tuyến; tốc độ giao món và chất lượng dịch vụ mới là yếu tố dẫn đầu của doanh nghiệp.
Sở hữu "đội quân áo xanh" hùng hậu, GrabFood rõ ràng chiếm ưu thế ở khoản tốc độ giao hàng. Điều này có thể dễ dàng được lý giải vì với số lượng đối tác tài xế đông và phân bố rộng khắp, khi khách hàng đặt món, lập tức sẽ có người gần nhất nhận đơn và giao hàng nhanh chóng. Được biết, tốc độ giao món trung bình của GrabFood hiện nay chỉ còn 20 phút cho mỗi đơn hàng.
Nghiên cứu thị trường độc lập của GComm gần đây cho biết 98% người dùng hài lòng khi đặt món trên GrabFood. Con số đó đã thể hiện sự nỗ lực của GrabFood đã và đang được khách hàng đón nhận. Tuy nhiên, cuộc chơi chỉ mới bắt đầu, năm 2019 sẽ vẫn là cuộc chiến thị phần hơn là vấn đề lợi nhuận ở các doanh nghiệp trong ngành giao thức ăn trực tuyến.
GrabFood sẽ còn "bành trướng" mạnh mẽ hơn dựa theo sự phát triển của hệ sinh thái Grab - nhận định này có lẽ là không quá.