Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD.
Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký và tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ.
Những số liệu trên phần nào cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp sẽ còn nhiều cơ hội để đồng hành cùng các ngành nghề sản xuất trên con đường tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Bất động sản công nghiệp được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam vì được hỗ trợ bởi các chính sách từ Chính phủ như: miễn giảm, ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư. Đến nay trên cả nước có 326 khu công nghiệp, Khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; trong đó, 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đi vào hoạt động đạt hơn 74%. 88% các khu công nghiệp đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ là lĩnh vực nóng nhất trong năm 2020 và được đánh giá có nhiều lợi thế, khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết trong năm 2019.
Đặc biệt, Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ các hiệp định, trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các cụm, khu công nghiệp của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với BĐS công nghiệp trong nước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… Do đó, lĩnh vực này đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ.