v

Ngân hàng Eximbank

Nam Á lui, Thành Thành Công tiến!

Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 340 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thoả thuận, chiếm khoảng 28% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng Eximbank.

Tuy nhiên, soi kỹ khối lượng giao dịch cho thấy quyết tâm của những giao dịch này rất mang tính thời điểm khi chỉ còn 2 phiên nữa là kết thúc tháng 4 nhưng có tới trên 200 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được giao dịch thỏa thuận, tương ứng với 17% cổ phần của EIB. Trong khi đó, nếu tính cả năm 2018 và năm 2017, khối lượng giao dịch chỉ là trên 650 và 300 triệu cổ phiếu.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu EIB diễn ra đúng thời điểm này dường như cũng là minh chứng cho nhiều đồn đoán cho rằng, khối lượng giao dịch lớn cổ phiếu EIB được sang tay trong thời gian qua chính là sự rút lui của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam ÁBank).

Đáng chú ý, bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT của Eximbank, hồi tháng 8 năm ngoái cũng đã mua vào 13,8 triệu cổ phiếu (hơn 1,12% cổ phần). Trước khi về Eximbank, bà Tú giữ vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á. Câu hỏi đặt ra, tại sao nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch Nam Á Bank lại rút khỏi Eximbank thời điểm này?

Nhìn từ thực tế, việc rút lui này của nhóm cổ đông NamABank được cho là đã đạt được thoả thuận, quan trọng hơn, nhóm ông Nguyễn Quốc Toàn khi đầu tư vào Eximbank từ năm 2014, thời điểm giá cổ phiếu EIB được đẩy lên cao với toan tính M&A nhưng không thành công.

Hơn nữa, khủng hoảng tại Eximbank chưa có dấu hiệu kết thúc khiến cổ phiếu ngân hàng này giảm mạnh, khó có dấu hiệu phục hồi và thời gian gần đây, khi có một đại gia thâu tóm, giá cổ phiếu EIB tăng 22% so với đầu năm là cơ hội tốt để nhóm cổ đông này thoái vốn mà không bị lỗ.

Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư kinh nghiệm, những giao dịch “sang tay” cùng với các mức giá phiên sau cao hơn phiên trước của Nam A Bank cho thấy có “hiện tượng” nhà đầu tư lớn đang thu gom cổ phiếu EIB lại trùng với thời điểm bên mua là một nhà đầu tư lớn kinh doanh hàng tiêu dùng nổi tiếng ở Hà Nội.

Lộ diện “người lái” Eximbank?

Nhưng những tưởng việc rút lui của nhóm Nam Á Bank đã là minh chứng xóa tan mọi đồn đoán trước đây là Lương Thị Cẩm Tú là người của Ngân hàng Nam Á Bank. Thì giờ đây hành trình đi đến chiếc “ngai vàng” của bà Lương Thị Cẩm Tú vẫn chưa thể bằng phẳng khi ngày 19/4/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn đã có Văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Minh Quốc và HĐQT ngân hàng này.

Ông Tuấn là đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Thành Công, đồng thời là cổ đông sở hữu 60,54 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, tương ứng 4,90% vốn điều lệ của Eximbank.

Ngoài ra, ông Tuấn còn được ông Nguyễn Tiến Dũng ủy quyền toàn bộ quyền của cổ đông tham gia cuộc họp. Ông Dũng là cổ đông sở hữu 54,97 triệu cổ phần EIB, tương đương 4,45% vốn điều lệ Eximbank và Hợp tác xã cổ phần Thành Công, cổ đông sở hữu 44,72 triệu cổ phần EIB, tương đương 3,62% vốn điều lệ của Eximbank

Như vậy, các cổ đông mới lộ diện vào "game quyền lực" ở Eximbank đã nắm giữ 12,97% vốn điều lệ của Eximbank.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nội bộ Eximbank lộ diện nhiều bất cập, vì vậy ông Tuấn đã đại diện nhóm cổ đông kiến nghị tới Chủ tịch HĐQT Eximbank để làm rõ một số vấn đề.

Theo ông Tuấn, đây chính là cơ sở để đoàn kết, huy động sự đóng góp của các cổ đông vào phát triển ngân hàng đúng định hướng và phù hợp quy định hiện hành của Điều lệ Eximbank và pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay nhóm ông Nguyễn Anh Tuấn vẫn chưa nhận được sự trả lời rõ ràng của HĐQT Eximbank về nội dung kiến nghị.

Như vậy, việc rút lui của nhóm cổ đông liên quan tới Nam Á Bank và sự xuất hiện của đại diện Thành Thành Công đã phần nào làm mờ đi câu chuyện bà Tú là người của Nam Á Bank. Nhưng đồng thời lại dấy lên câu hỏi rằng nhờ sự hậu thuẫn nào mà bà Lương Thị Cẩm Tú vẫn tiếp tục củng cố quyền lực tại Eximbank giữa tâm bão tranh chấp?

Minh chứng đầu tiên cho thấy bà Lương Thị Cẩm Tú đã nhận được sự ủng hộ của 7 thành viên HĐQT, trong đó có hai thành viên HĐQT người nước ngoài là ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki, những người đại diện cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản). Cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản) hiện đang là cổ đông lớn nhất và duy nhất nắm giữ 15% cổ phần EIB.

Bên cạnh đó, dù ở Eximbank chưa có thông tin cụ thể về tỷ lệ ủy quyền nhưng các nguồn tin cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được một số cổ phần ủy quyền vô thời hạn không hủy ngang của một nhóm cổ đông, cùng phần vốn sở hữu của Vietcombank.

Như vậy Ngân hàng Nhà nước đã có trên 10% cổ phần ở Eximbank. Với số lượng cổ phần này, sự hậu thuẫn của cổ đông lớn Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp cho ghế nóng của bà Lương Thị Cẩm Tú vững chắc hơn tại Eximbank?

Khánh Linh

Theo Reatimes.vn