Toàn cảnh hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Cũng theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018.
Tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 3, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt khoảng 3.181.158 tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1.919.546 tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay DNNVV đạt 308.344 tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.961 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đạt 523.260 tỷ đồng.