Hành nghề “chui” một cách công khai?

Không giống nhiều lĩnh vực khác, y tế là một trong những ngành nghề kinh doanh hết sức đặc thù mà khách hàng thường ít có sự lựa chọn, ít có cơ hội thẩm định chất lượng hàng hóa, dịch vụ trước khi bỏ tiền ra mua. Chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi hoạt động của ngành nghề này hầu như chỉ được chứng minh khi “sự đã rồi”.

Và kể cả có chứng minh được tác hại hay hậu quả của sản phẩm dịch vụ đó thì các khách hàng mà ở đây chính là người bệnh và gia đình cũng khó lòng đòi hỏi quyền lợi cho mình, đặc biệt là khi sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh và các loại thuốc đông y.

Điều đáng chú ý là, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và mạng internet thì tình trạng quảng cáo tràn lan, quảng cáo truyền miệng, truyền tai về các “thần y”, “lương y” ngày càng tăng với số lượng chóng mặt.

Thêm vào đó, hầu hết những căn bệnh mà các "thần y" này quảng cáo là chữa trị thành công đều là bệnh khó chữa, bệnh mãn tính lâu ngày mà y học hiện đại vẫn đang loay hoay tìm kiếm phương pháp điều trị.

Theo Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 70.000 người đang hành nghề đông y tư nhân, nhưng có tới 60.000 người chưa được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế.

Thực tế này cho thấy phần lớn những người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh theo phương pháp đông y đều đang “ăn trái đắng”. 

Tại Việt Nam có tới 60.000 trong số 70.000 thầy thuốc Đông y tư nhân đang hoạt động không phép

“Thần y”, “thần dược” chữa bách bệnh?

Trong quá trình đi tìm “thuốc quý” chữa bệnh xương khớp, chúng tôi đến một phòng khám Đông y ở Thái Hà (Hà Nội) và được cô M. bắt mạch khám bệnh. Trong quá trình thăm khám, cô M tự tin khẳng định thuốc của cô có thể chữa dứt căn bệnh vốn rất khó chữa dứt điểm này.

Thậm chí, cô còn mạnh dạn khẳng định “Người bệnh hãy coi tôi như của để dành, các bạn chỉ nên đến đây khi đau không chịu được nữa”.

Không những thế, cô M còn cho rằng mỗi thang thuốc bốc của cô không chỉ phù hợp cho người viêm khớp đau xương mà còn có tác dụng đả thông kinh mạch, điều hòa huyết áp, chữa chứng đau đầu mất ngủ, giảm căng thẳng thần kinh và nhiều bệnh khác.

Nhận xét về phòng khám đông y này, chị H ở Hà Nội cho biết mẹ chị đã đi khám và lấy thuốc ở đấy 6 lần, tổng chi phí khám và bốc thuốc là 5 triệu đồng nhưng “cũng chỉ đỡ một thời gian thôi, xong đâu lại vào đấy”.

Người bệnh liều mạng, bác sĩ... thất đức

Trong khi đó, cô Lan (Gia Lâm, Hà Nội) một bệnh nhân có tiền sử viêm khớp đã từng chữa trị bằng thuốc Đông y cho hay, cô đã chữa trị ở nhiều nơi nhưng tình trạng bệnh không tiến triển nhiều.

Gần đây, khi khám bệnh tại một phòng khám Đông y ở gần nhà, cô được kê đơn thuốc là những viên thuốc màu đen đã được cô đặc lại, đến bữa hòa cùng nước ấm để uống thì lại thấy có chút tác dụng. Tuy nhiên, nếu uống thuốc thường xuyên như chỉ định của bác sĩ thì thấy xương cốt bớt đau nhức nhưng chỉ cần quên uống thuốc 1, 2 hôm là các dấu hiệu bệnh lại như ban đầu.

Trả lời vì sao biết đến phòng khám này cô Lan cho biết là do một người bà con đã từng chữa bệnh tại đây "mách", vì chính người bà con ấy cũng đã chữa bệnh tại đây và thấy "Uống thuốc đều thì cơ thể khỏe khoắn lên nhiều lắm" và yên tâm gặp đúng thần y chữa bách bệnh rồi.

Đáng lưu ý là, khi còn dùng thuốc tại đây, cô Lan nhiều lần không tới mua thuốc và đã nhờ người thân tới mua hộ thì chỉ cần đọc tên người bệnh hay nói triệu chứng bệnh là vị bác sĩ sẽ đưa ngay cho bọc thuốc "thần kỳ" ấy, không cần bất kỳ thao tác bắt mạch hay kiểm tra tình trạng bệnh nào.

Trong Y học cổ truyền, để chữa bệnh cần tuân thủ các bước: Vọng tức là nhìn, quan sát tình trạng bên ngoài, văn – tức là nghe tiếng thở, ngửi hơi thở, vấn – tức là hỏi về tình trạng bệnh và thiết là sờ nắn để nắm rõ hơn về bệnh. Tuy nhiên, nhiều thầy thuốc đã bỏ qua bước này và không ngần ngại áp dụng một đơn thuốc cho nhiều loại bệnh khác nhau, bỏ qua sự an nguy của người bệnh.

Khi chúng tôi mang những thắc mắc này đến gặp ông N.L một thầy thuốc đông y có giấy chứng nhận của Bộ Y tế thì ông cho rằng việc thăm khám sơ sài, thậm chí là không thăm khám trước khi bốc thuốc, kê đơn, bán thuốc là không phù hợp với quy định của ngành y đồng thời đi ngược lại đạo đức người thày thuốc.

Nhiều người bệnh quan niệm thuốc đông y lành tính, mát và vô hại đã chủ quan uống thuốc tùy tiện hoặc đang điều trị lại tự ý chuyển đổi sang dùng thuốc của thầy thuốc khác mà không có bất kỳ sự tư vấn nào của thầy thuốc. Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người bệnh tử vong do dùng thuốc Đông y quá liều lượng, sai phương pháp.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.W cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc Đông y là do là tồn dư hóa chất dùng để bảo quản, chế biến thuốc, chống ẩm mốc như: Lưu huỳnh, phốt pho, thủy ngân...

Ngoài ra, theo lương y Vũ Quốc Trung, Phòng khám Đông y chùa Cảm Ứng (Hà Nội), ngộ độc thuốc Đông y có thể là do độc tố tồn tại trong chính bài thuốc, bởi thuốc Đông y có nhiều nguồn gốc: Động vật, thực vật, côn trùng, khoáng vật… mỗi loại có thể có tới hàng nghìn vị, trong đó một số vị thuốc bản thân trong nó đã chứa chất độc (ví dụ như mã tiền dùng sai liều lượng có thể gây chết người).

Thực tế này cho thấy không chỉ các “lương y” sẵn sàng đi ngược lại đạo đức thầy thuốc mà chính người bệnh cũng đang liều mạng với sức khỏe và tính mạng của mình. Hơn ai hết, mỗi người bệnh hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và tỉnh táo trong việc chọn thầy, bốc thuốc, đừng để "tiền mất, tật mang"!

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Reatimes