Theo Báo cáo tài chính quý IV mới công bố của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank; HoSE: VPB), kết thúc năm 2022, thu nhập lãi thuần hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 41.020 tỷ đồng, với động lực đóng góp chính đến từ thu nhập phí tăng mạnh 64% so với năm 2021, trong đó phải kể tới hoạt động thanh toán, ngân quỹ và POS; dịch vụ bảo hiểm; và cấu phần thẻ.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động khác tăng mạnh, lần lượt tăng 58% và gần 4 lần so với năm trước, mang về 6.437 tỷ đồng và 10.583 tỷ đồng.

Mặt khác, các hoạt động ngoài lãi khác lại giảm sút mạnh. Theo đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn tiếp tục lỗ 618 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với năm 2021; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận lỗ 149 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn lãi 8,8 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lao dốc mạnh, ghi nhận vỏn vẹn 508 tỷ đồng, giảm đến 6,2 lần.

Năm 2022, ngân hàng dành ra 22.461 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gần 17% so với năm 2021. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank tăng gần 48% so với năm trước, mang về 21.219 tỷ đồng, hoàn thành gần 72% kế hoạch năm 2022.

Lợi nhuận VPBank đạt hơn 21.000 tỷ đồng
Lợi nhuận VPBank đạt hơn 21.000 tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VPBank mở rộng thêm 15%, lên 631.073 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng lên mức 424 tỷ đồng, tăng gần 23%; tiền gửi và cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác lại giảm 17%, xuống 47.965 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng mạnh gần 55% lên 25.136 tỷ đồng, kéo tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ 4,5% cuối năm 2021 lên 5,7%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng cao, lên đến 7.160 tỷ đồng, tăng đến gần 3,5 lần so với năm ngoái.

Về nguồn vốn, huy động từ tiền gửi khách hàng tại ngân hàng riêng lẻ tăng gần 30% so với cuối năm 2021, đóng góp lớn từ khối khách hàng cá nhân (RB) và khối khách hàng SME (tăng 43%).

Cũng tại thời điểm cuối năm 2022, quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank, sau các đợt tăng vốn lớn, đã chính thức cán mốc hơn 103.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của VPBank, cùng với đó, đạt hơn 67.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Giá trị vốn hóa của ngân hàng, tại thời điểm cuối năm 2022, đã tăng tốc lên 120.000 tỷ đồng, giữ vững vị trí ngân hàng tư nhân có mức vốn hóa lớn nhất Việt Nam.

Theo An An (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/loi-nhuan-vpbank-dat-hon-21000-ty-dong-20201231000008814.html