Gần đây, quê tôi - xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa bỗng dưng nổi tiếng trên đài báo vì lý do hết sức đơn giản đó là, nhiều người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 của Chính phủ. Thoạt nghe thì có vẻ khó tin, bởi nhiều người có lẽ cùng chung suy nghĩ, chẳng ai dại đến mức người ta cho không nhận. Thậm chí có người buông lời mỉa mai, “đã nghèo mà còn sĩ diện”.
Tất nhiên, tôi cũng chẳng quan tâm đến những mẩu tin đang lan truyền trên mạng xã hội với nội dung “cán bộ ép dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ” nếu chưa được kiểm chứng. Đặc biệt với trách nhiệm của nhà báo, thông tin này càng phải được làm rõ để định hướng dư luận một cách chính xác nhất.
Trên chuyến xe trở về quê hương, trong đầu tôi cũng tự đặt ra những câu hỏi: Tại sao quê mình nhiều người còn đang nghèo khó, vất vả lại sẵn sàng từ chối không nhận tiền hỗ trợ? Bởi lẽ, số tiền hỗ trợ đó có thể giúp dân trang trải cuộc sống trong một vài tháng, nhất là thời điểm giáp hạt. Họ có bị ép không nhận tiền hỗ trợ không?
Nhưng rồi bản thân cũng tự “truy vấn” bằng cách tìm câu trả lời: “Liệu dân mình có dễ dàng bị "ép" để không nhận tiền hỗ trợ như thông tin đang lan truyền? Nếu họ không thích tự nguyện “nhường cơm xẻ áo” thì cán bộ có ép được không? Có điều gì đó chưa rõ ràng nếu chỉ tiếp cận những thông tin một chiều đang lan truyền trên mạng xã hội?
Để có những thông tin chân thực khách quan nhất, trước khi thông tin tới chính quyền địa phương, tôi cùng một đồng nghiệp đã “bí mật” nắm thông tin từ phía người dân. Nhiều người dân ở xã Xuân Sinh cũng chẳng lạ gì tôi ở vùng quê nghèo này, bởi tuổi thơ của anh em chúng tôi đã trôi đi một cách êm đềm, dung dị trong cái tình làng nghĩa xóm ấy, cho nên mọi chuyện đều được họ mở lòng chia sẻ...
Ban đầu tôi cứ tưởng có lý do gì đó xa xỉ đến mức khiến người dân quê tôi đi đến quyết định từ chối nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ nhưng lối suy nghĩ của những người nông dân, chân chất thật thà đơn giản và gần gũi có sức thu hút đến đến mức khiến tôi bỏ quên lối suy nghĩ có phần cầu kỳ trước đó của mình.
Ở quê tôi có những người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ là bởi nhiều người dân bày tỏ cảm phục, cảm động khi biết được hình ảnh một số cụ già hết tuổi lao động vẫn còn lặn lội đường xa góp gạo, góp tiền cùng cả nước chống dịch. Họ cho rằng các bác sĩ, người dân tại những nơi đang có dịch vất vả thì mới cần sự hỗ trợ.
Một số người nói với tôi rằng, họ tuy còn nghèo, nhưng không đến mức đói ăn. Gia đình vẫn có thể trang trải được cuộc sống bằng mớ rau, con cá ngoài vườn và sản xuất ra vật chất chứ chưa đến mức độ cần hỗ trợ. Rồi cứ thế người này học tập người kia, người kia học tập người nọ và nó trở thành phong trào lan rộng ra cộng đồng.
Họ cùng có chung suy nghĩ rằng, không có lý do gì để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước trong khi mình còn khỏe, vẫn có thể làm ra gạo, tiền để tự trang trải cuộc sống. Chính vì lẽ đó, nhiều người đã viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ Covid-19 để "nhường cơm xẻ áo" cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Rồi có những người thuộc diện được hỗ trợ sẵn sàng trả lại tiền sau khi nhận cũng chỉ bởi lý do đơn giản “nhiều người cần giúp đỡ hơn mình”.
Đôi lúc tôi cũng tự vấn bằng những suy nghĩ hẹp hòi và thiển cận rằng, sao họ nghèo lại không nhận hỗ trợ, nhưng rồi chẳng dám nói ra, vì tất cả mọi chuyện đã được kiểm chứng. Với cảm nhận của riêng mình, tôi nghĩ, có lẽ mình học được họ ở cách cho đi và yêu thương nhiều hơn.
Có lẽ, phía sau cái gọi cơm, áo, gạo, tiền của người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tự nguyện không nhận hỗ trợ là cả tấm lòng bác ái, cao cả, mà nói rộng ra đó là truyền thống tương thân tương ái của người Việt ta. Tôi cũng nhìn thấy cái "tốt bản năng" từ những người dân quê tôi, và điều đó đã được khơi dậy và nhân rộng một cách đúng lúc, đúng chỗ.
Tôi tin vào lý trí và con tim của mình trước những gì đã chứng kiến và chẳng mảy may nghi ngờ khi nghe xong những câu chuyện xúc động về tình làng, nghĩa xóm, của sự đùm bọc, nhường cơm xẻ áo của người dân nơi tôi sinh ra.
Nhưng điều khiến tôi khó hiểu nhất là tại sao có những thứ thuộc về các giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của người Việt lại dễ dàng bị đổi trắng thay đen chỉ bằng những mẩu tin không kiểm chứng đang lan truyền trên mạng xã hội? Rồi họ xuyên tạc những điều tốt đẹp chính trong ý nghĩ, thái độ và trách nhiệm của bản thân họ đối với cộng đồng với những ngôn từ tục tĩu. Không lẽ những giá trị nhân văn tốt đẹp của chúng ta – của những người Việt Nam yêu nước thương nòi lại dễ dàng bị đánh đổi vậy sao?
Tôi đã từng đặt nghi ngờ cho những thông tin đã, đang lan truyền trên mạng xã hội và vẫn tin, mong muốn một cái kết có hậu cho quê hương. Giờ thì mọi thứ đã khác và sự thực đã được phơi bày.
Người ta cũng từng đặt cho tôi câu hỏi: Lòng tốt của người nghèo đáng giá bao nhiêu? Cá nhân tôi thì nghĩ rằng, nó không thể quy đổi thành tiền, bởi thứ vô giá đó thuộc về "bản ngã" của mỗi con người. Đã là thứ vô giá thì chẳng ai dại gì mà quy đổi thành tiền cả.