Hình ảnh bằng sáng chế
Một trong những tính năng tuyệt nhất của Apple Watch là theo dõi nhịp tim của người dùng trong cuộc sống hàng ngày và khi tập luyện.
Gần đây, tính năng này được mở rộng thêm để có thể đo điện tâm đồ (ECG) trên cổ tay và nhận biết những dấu hiệu gây rung nhĩ. Và trong thực tế, nó đã cứu sống được rất nhiều người.
Tuy nhiên những tính năng này chưa được Apple mở rộng sang các thiết bị khác như iPhone hay MacBook. Việc sử dụng cảm biến hình tròn lớn như trên mặt sau của Apple Watch cho iPhone không khả thi vì diện tích của cảm biến quá lớn. Vậy nên Apple đang cân nhắc để mang những tính năng này lên những thiết bị lớn hơn của công ty.
Một bằng sáng chế ứng dụng được cấp có tiêu đề là “Thiết bị điện tử cầm tay được tích hợp cảm biến sinh học” đã mô tả cách Apple có thể tích hợp cảm biến vào vỏ của một thiết bị lớn như MacBook.
Cảm biến mới dạng lỗ tròn nhỏ thay thế cho cảm biến hình tròn lớnThay vì cảm biến có hình dạng là một vòng tròn bằng kính tiếp xúc thường xuyên với cổ tay người dùng, Apple thay thế nó bằng hai bộ lỗ siêu nhỏ.
Các hàng lỗ nhỏ này xếp cạnh nhau trong vỏ máy và được bảo vệ bằng một lớp mờ hoặc trong suốt.
Về mặt chức năng, nó sẽ hoạt động tương tự như PPG (Photoplethysmography) trên Apple Watch. Bằng cách sử dụng đèn LED xanh lá chiếu xuyên qua bộ lỗ thứ nhất lên da người dùng.
Ánh sáng phản xạ lại từ cổ tay người dùng sẽ được thu thập qua bộ lỗ thứ hai, sau đó ánh sáng này sẽ được phân tích bằng hệ thống trên thiết bị.
Cảm biến có thể phát hiện nhiều yếu tố về tình trạng người dùng như nhịp tim, nhịp thở, mức độ oxy trong máu, huyết áp và ước tính lượng máu trong cơ thể. Ngoài ra, với việc bổ sung đèn LED hồng ngoại, nó còn có thể nhận biết hàm lượng nước trong cơ thể.
Macbook có thể được trang bị tính năng theo dõi sức khỏe trong tương lai.
Theo như ứng dụng, cảm biến có thể hoạt động ở hai mức năng lượng khác nhau, cho phép thực hiện các chức năng ít tốn năng lượng theo thời gian như theo dõi nhịp tim thường xuyên hoặc có thể thực hiện với hiệu suất cao hơn khi có yêu cầu.
Cảm biến được đặt ở gần touchpad - một vị trí lý tưởng vì có thể tiếp xúc gần với cổ tay người dùng khi họ sử dụng bàn phím trên MacBook.
Về lý thuyết, điều này sẽ cho phép theo dõi nhịp tim thường xuyên như trên Apple Watch bất cứ khi nào người dùng đánh máy hay cổ tay nằm trong phạm vi cảm biến có thể đọc được.
Không những thế, cảm biến cũng cung cấp một số chức năng cơ bản khác như nhận biết sự hiện diện của người dùng và ngăn MacBook rơi vào trạng thái ngủ.
Nó cũng có thể chiếu sáng bàn phím và touchpad khi người dùng được nhận diện mà không cần phải chạm vào một trong hai bộ phận trên.
Ngoài ra, thế hệ thứ hai của AirPods cũng được dự đoán rằng sẽ bao gồm rất nhiều chức năng sức khỏe như theo dõi nhịp tim và các phép đo khác. Tuy vậy không phải lúc nào các bằng sáng chế cũng sẽ xuất hiện trên các thiết bị được ra mắt trong tương lai.
Cùng chờ đợi xem liệu những chức năng sức khỏe này có xuất hiện trên những thiết bị sắp tới của Apple hay không.
Mỹ Linh/Theo AppleInsider