Sự hợp tác này giúp người tiêu dùng trong nước sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với phong cách mua sắm hiện đại chuyên nghiệp, hàng hóa đa dạng.
Sân chơi thuộc về người Việt
Theo Nikkei, các nhà bán lẻ từ khắp châu Á đang đổ bộ vào Việt Nam khi các hạn chế đối với các công ty nước ngoài được nới lỏng. Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường.
Sự cạnh tranh dự kiến còn khốc liệt hơn, bởi sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh và kỳ vọng phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt. Nếu doanh nghiệp Việt không chủ động có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà.
Nửa đầu năm 2019, thị trường bán lẻ chứng kiến tốc độ mở rộng độ phủ của các doanh nghiệp bán lẻ nội thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Mới đây, lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp nhận một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới. Bức tranh thị phần đã có sự thay đổi đáng kể với ưu thế nghiêng về doanh nghiệp nội.
Quyết tâm giành lại lợi thế trên sân nhà, thương vụ sáp nhập lớn nhất năm 2019 giữa 2 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam vừa bất ngờ diễn ra. Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.
Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông. Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao và lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.
Thành công của thương vụ này, Masan đặt mục tiêu trở thành một Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ tầm cỡ hơn nữa, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.
Theo đó, sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp này có ý nghĩa củng cố, tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.
Các động thái trên đang cho thấy có sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt trong ngành bán lẻ cả về số lượng cửa hàng và thị phần so các doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì gần 10%/năm, đây là con số ngoạn mục với nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng như sự ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Trong tương lai gần, thị trường sẽ ngày càng sôi động hơn và có bước phát triển, với nhiều điểm mới để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tạo niềm tin đối với người tiêu dùng
Việc đổ bộ của các doanh nghiệp FDI vào hệ thống bán lẻ khiến nhiều ý kiến lo ngại rằng hệ thống bán lẻ trong nước đang có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, những diễn biến của xu hướng này và những tác động của nó tới thị trường trong nước trong thời gian qua chưa thực sự "đáng lo ngại" như phản ánh của dư luận.
Đánh giá về các thương vụ M&A vừa qua, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, rất vui vì đã có doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã đủ sức thâu tóm bán lẻ nước ngoài, mở rộng hệ thống phân phối, từ đó giải quyết bài toán đầu ra cho hàng Việt, tránh tình cảnh như Big C vừa qua đột ngột hủy đơn hàng may mặc với 200 nhà cung cấp Việt Nam.
Chia sẻ lý do hợp tác cùng Masan, đại diện Vingroup cho hay, Vingroup chọn mặt gửi vàng, Masan là doanh nghiệp nội để hợp lực chứ không hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để cân bằng thị trường bán lẻ trong nước, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước cùng phát triển. Trước đó, một đối tác ngoại đã muốn rót 1 tỷ USD vào VinCommerce nhưng Vingroup vẫn quyết định bắt tay với Masan.
Không chỉ đủ năng lực cạnh tranh và khả năng đối trọng sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, giành và giữ được thị phần cho người Việt – thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce còn tiên phong hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa cùng phát triển.
Trước những ý kiến lo ngại về việc Masan sẽ ưu tiên hàng hoá của mình khi nắm quyền điều hành VinMart và VinMart+, đồng nghĩa các sản phẩm cạnh tranh khác khó có cơ hội xuất hiện trên quầy kệ, đại diện Masan Group khẳng định, mọi chính sách kinh doanh và quản trị sẽ được giữ nguyên. Tỷ trọng hàng Masan trong các siêu thị là 1% nên tại hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ sẽ là sân chơi chung.
Các sản phẩm của Masan đã chứng tỏ sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nói chung chứ không phải chỉ trong mỗi hệ thống Vinmart, Masan luôn đặt trọng tâm vào người tiêu dùng, cũng như luôn nghĩ cách phục vụ người tiêu dùng những mặt hàng cần thiết mọi lúc mọi nơi.
Các doanh nghiệp Việt đang cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích với mạng lưới rộng khắp. Sau 5 năm hoạt động, VinMart và VinMart+ đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường với gần 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Dự kiến tới 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. VinMart & VinMart+ đã liên tiếp 2 năm liền giữ vững vị trí số 1 trong Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ do Vietnam Report bình chọn. Trong khi đó, Masan Group có bề dày hơn 23 năm, là Tập đoàn hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực hàng tiêu dùng (bao gồm thực phẩm chế biến, gia vị và đồ uống, thịt có thương hiệu). Doanh thu năm 2018 đạt trên 1,6 tỷ USD, giá trị vốn hóa trên 3,7 tỷ USD. Năm 2019, Masan Group lọt top 200 công ty doanh thu tỷ USD tại châu Á theo bảng xếp hạng của Forbes Asia.
Có thể nói, sự kết hợp giữa VinGroup và Masan đang mở ra một cơ hội lớn với kỳ vọng mang tới cho người tiêu dùng những phong cách mua sắm mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đúng với sứ mệnh mà Masan vẫn theo đuổi là phụng sự người tiêu dùng. Người Việt xây dựng và vận hành chắc chắn sẽ tạo ra những điều kỳ diệu.