Mặt bằng bán lẻ tiếp “mạch cảm hứng"

Nhìn nhận về xu hướng M&A và triển vọng thị trường mặt bằng bán lẻ thời gian tới, ông Lê Xuân Hoàn, Tổng giám đốc Việt Nam Tập đoàn Kangaroo cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đối mặt với làn sóng M&A khá mạnh. Sự gia nhập của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại sẽ làm thị trường sôi động, buộc các doanh nghiệp trong nước phải vận động hơn, có sự chuyển mình để tồn tại.

“Dù có nhiều áp lực, nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng sở hữu lợi thế nhất định, đó là sự linh động, thích ứng và phản ứng nhanh, hiểu người tiêu dùng trong nước”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Hiện Tập đoàn Kangaroo đã có tới 40.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, là sự kết hợp đa dạng giữa các kênh offline, online. Điểm chung của các điểm bán này là đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu trong bộ tiêu chí lựa chọn địa điểm của doanh nghiệp, gồm vị trí, khu vực dân cư, nhận diện. Trong đó, sự “biến tấu” về mô hình bán hàng cũng rất linh hoạt. Với điểm bán hành gần khu dân cư hiện đại, doanh nghiệp sẽ lựa chọn mô hình hệ thống siêu thị, với khu vực dân cư truyền thống, sẽ là mô hình bán lẻ truyền thống.

Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của khối ngoại. Ảnh: Đức Thành

Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của khối ngoại. Ảnh: Đức Thành

Lý giải về tiềm năng và sức hút của thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu, Savills TP.HCM cho rằng, Việt Nam được ghi nhận vẫn còn nhiều tiềm năng cho ngành bán lẻ để phát triển. So với các nước trong khu vực, diện tích bán lẻ hiện đại tại Việt Nam mở mức thấp, mật độ diện tích bán lẻ trên đầu người tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM lần lượt chỉ ở mức 0,17 m2 và 0,13 m2/người, trong khi tại các thành phố như Jakarta (Indonesia) là 0,44 m2, Singapore 0,75 m2 và Bangkok (Thái Lan) 0,89 m2.

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế ổn định và mức độ đô thị hóa cao, dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn với dân số có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm đến 60%, tầng lớp trí thức và có thu nhập ổn định ngày càng tăng hỗ trợ cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển.

Trong khi đó, theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, dù thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm qua, nhưng tác động của loại hình này trên các trung tâm thương mại truyền thống ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mà hầu hết người mua ở Việt Nam vẫn thích mua sắm tại cửa hàng hơn.

“Người Việt Nam thích đi ra ngoài với bạn bè và gia đình của họ để ăn tối, mua sắm hoặc gặp gỡ nhau và do đó, các trung tâm mua sắm, cửa hàng ăn uống vẫn là một trong những lựa chọn thuận lợi. Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng trở nên năng động hơn, tác động của thương mại điện tử trên các mô hình truyền thống có thể trở nên rõ ràng hơn và các nhà phát triển bán lẻ nên chuẩn bị tốt cho điều đó”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Bộ Xây dựng: Cấp sổ đỏ lâu dài cho condotel là không đúng luật

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho biết, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho condotel phải theo luật đất đai là có thời hạn. Tuy nhiên, thời gian qua, một số chủ đầu tư, một số địa phương do chưa rõ luật hoặc chưa nghiên cứu kỹ đã cấp giấy không đúng quy định.

Theo ông Ninh, bản chất của condotel là khách sạn dạng căn hộ, được quy định rất rõ trong Luật Du lịch 2017. Luật Du lịch 2005 cũng đã có quy định. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, loại hình này cùng với officetel vướng một số vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa cụ thể.

Liên quan đến câu chuyện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho condotel, ông Ninh khẳng định:đối với công trình thương mại dịch vụ nói chung hoặc công trình khách sạn, công trình xây dựng các căn hộ du lịch chính là loại đất thương mại dịch vụ không phải đất ở lâu dài.

“Đất thương mại dịch vụ theoluậtđất đai được giao đất hoặc thuê đất có thời hạn chứ không phải lâu dài. Cho nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho những khách hàng mua căn hộ du lịch này phải cấp theoluật đất đai là có thời hạn. Một số chủ đầu tư có thể do chưa rõ luật hoặc một số địa phương do chưa nghiên cứu kỹ đã cấp không đúng quy định”, ông Ninh cho biết.

Xem chi tiếttại đây.

Đại gia địa ốc “đánh bắt xa bờ"

Cuối tháng 12/2018, UBND TP. Cần Thơ đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới An Bình 1 - Cần Thơ cho liên danh 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Hải Phát.

Nằm ngay khu đất vàng trung tâm quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ với diện tích lên tới 164,3 ha, dự án là tổ hợp bao gồm liền kề, shophouse, biệt thự, chung cư, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư với quy mô dân số lên tới 19.000 người.

Là một doanh nghiệp bất động sản với hoạt động chủ yếu tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận phía Bắc, động thái mới của Hải Phát cho thấy tham vọng của tập đoàn này trong việc mở rộng thị trường phát triển ra nhiều địa phương.

Dự án bất động sản được triển khai ở các tỉnh lẻ chủ yếu là nhà liền thổ

Dự án bất động sản được triển khai ở các tỉnh lẻ chủ yếu là nhà liền thổ

Không chỉ Cần Thơ, trao đổi với phóng viên Báo Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Hải Phát cũng không giấu giếm kế hoạch triển khai tới 15 dự án, trong đó có cả những dự án nghỉ dưỡng đáng chú ý tại Nha Trang, Hội An, Bình Thuận.

Ngay tại Cần Thơ, thời gian qua, Vingroup, CEO Group, FLC cũng đang săn lùng quỹ đất để phát triển dự án tại đây. Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư của TP. Cần Thơ vào tháng 8/2018, Tập đoàn Vingroup cho biết, xác định Cần Thơ sẽ là thành phố trung tâm động lực của vùng, nên đã sớm có mặt ở đây với hàng loạt dự án đã và đang triển khai như Vincom Hùng Vương, Vincom Xuân Khánh, Vincom Shophouse, Vinpearl Cần Thơ Hotel, sắp tới là Vinmec và Vinpearl Golf & Resort.

Tương tự, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, trong chiến lược phát triển bất động sản nghỉ dưỡng đa hình thái thời gian tới, FLC xác định Đồng bằng sông Cửu Long là địa hạt đầu tư trọng yếu.

Với vị trí trung tâm phát triển động lực khu vực Tây Nam Bộ, Tập đoàn FLC lựa đã chọn TP. Cần Thơ làm hạt nhân cho chiến lược đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long với 3 dự án hạ tầng du lịch quy mô lớn, bao gồm mô hình tháp biểu tượng dịch vụ 5 sao tại trung tâm Thành phố và hai quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, đầy đủ tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, tổng diện tích lên tới 1.600 ha.

Còn tại phía Bắc, Quảng Ninh đang là điểm đến được nhiều doanh nghiệp bất động sản để mắt. Các ông lớn như Vingroup, Sun Group, FLC đều đã có các dự án khủng tại địa phương này.

Mới đây, liên danh giữa Công ty cổ phần Đầu tư phát triển TNR Holdings Việt Nam và Công ty Thương mại - Xây dựng - Quảng cáo - Địa ốc Việt Hân cũng đã được phê duyệt đầu tư xây dựng 582 căn biệt thự thuộc dự án sông Uông ở TP. Uông Bí (Quảng Ninh).

Xem chi tiết tại đây.

Cả gan bán dự án lấp sông, bất chấp mọi cảnh báo

Ngày 20/1, tại Khách sạn Majettic Sài Gòn, Công ty MLand Vietnam lại tiếp tục mở bán dự án Khu dân cư Long Thượng với sự tham dự của nhiều khách hàng. Dự án này có tên theo phê duyệt là Khu dân cư liên xã Phước Hậu - Long Thượng. Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần “lùm xùm” thì đợt mở bán sau lại được đổi tên, từ Trị Yên Riverside đến Long Thượng Riverside và mới nhất là Khu dân cư Long Thượng.

Lần này, trong clip và tờ phướn giới thiệu về dự án, MLand Vietnam vẫn tiếp tục quảng cáo rằng dự án có các tiện ích nội khu như: Trung tâm thương mại; công viên ven sông, cầu cảnh quan; Trường tiểu học và trường mẫu giáo. Các tiện ích này đều không có trong quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt.

Trong phần giới thiệu về dự án tại lễ mở bán, đại diện MLand Vietnam vẫn khẳng định dự án có đủ điều kiện về pháp lý như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch 1/500,giấy phép xây dựngcơ sở hạ tầng, giấy thẩm định PCCC.

Lễ mở bán dự án Khu dân cư Long Thượng do MLand Vietnam tổ chức ngày 20/1

Lễ mở bán dự án Khu dân cư Long Thượng do MLand Vietnam tổ chức ngày 20/1

Trước đó, từ ngày 11/1 MLand Vietnam đã đăng tải thông tin quảng cáo về lễ mở bán lần này. Trong vai một khách hàng, phóng viên liên hệ với nhân viên môi giới của MLand Vietnam qua số điện thoại hotline và được nhân viên này cho biết: “Bên em là công ty MLand Vietnam phân phối độc quyền dự án này. Pháp lý hoàn chỉnh bên em mới bán. Ngày trước dự án này tên là Trị Yên Riverside, bà Khanh bà ấy bán ra khi chưa có giấy phép xây dựng. Bây giờ bên em đã xin giấy phép xây dựng xong hết rồi, và đổi tên thành Long Thượng Riverside”.

Khi được hỏi về việc dự án đã được cơ quan chức năng cho phép chuyển nhượng chưa? Môi giới cho biết: “Khi được phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 thì chủ đầu tư được quyền bán cho cư dân. Còn nếu nhà nước chưa phê duyệt quy hoạch 1/500 thì không thể nào bán cho khách được vì sẽ bị phạt. Còn bên em hiện đã có quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng, PCCC. Giấy phép hoàn chỉnh như vậy thì bên em đâu có sợ gì đâu. Bây giờ khách hàng mua thì bọn em chỉ việc công chứng sang tên cho khách thôi”.

Xem chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp lo rủi ro pháp lý kích nổ bong bóng bất động sản

Ngày 23/1, tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo thành phố, nhiều nhà phát triển địa ốc bày tỏ quan ngại về kịch bản màu xám cho thị trường 2019.

Có nhiều năm xây dựng và phát triển nhà chung cư tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Đực lo bong bóng bất động sản có thể nổ bất cứ lúc nào trong năm 2019 nếu như bị châm ngòi bởi các thông tin thanh tra, rà soát, dừng chuyển mục đích sử dụng đất.

Điển hình theo ông là nguồn gốc đất triển khai dự án liên quan đến đất công đang trở thành nỗi ám ảnh và hoang mang cho người mua nhà. Những quyết định của cơ quan quản lý về các dự án có nguồn gốc đất công phải đấu giá lại, tính lại giá đất... sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Các chủ đầu tư cho rằng yếu tố tác động tiêu cực đến bất động sản còn nằm ở trình tự lập thủ tục pháp lý dự án. Doanh nghiệp gặp khó vì quá nhiều quy định chồng chéo, hồ sơ bị ứ đọng, khi có vướng mắc thì các kiến nghị không được giải quyết kịp thời. Thậm chí có trường hợp đất doanh nghiệp đấu giá hợp pháp nhưng vẫn không được bảo vệ quyền lợi khi có đối tượng xâm nhập, xây dựng trái phép.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, Phùng Chu Cường trần tình, 15 năm trước, doanh nghiệp trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND TP HCM cấp giấy chủ quyền. Những năm qua, doanh nghiệp đã hình thành cụm đô thị mới trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ, góp phần thay đổi diện mạo đô thị cho thành phố.

Thế nhưng nghịch lý đang diễn ra là, tại phân khu số 15 của dự án vẫn tồn tại một căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời. Các hộ này xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cản trở việc xây dựng dự án, xông vào công trường, đập phá tài sản và tháo dỡ hàng rào của công ty. Điều khiến doanh nghiệp bức xúc là, cơ quan quản lý có phản ứng chậm trong xử lý vụ việc.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản nghỉ dưỡng 2019 sẽ ra sao sau thời kỳ chững lại?

Theo Savills Việt Nam, dự kiến sự tăng trưởng của thị trường vẫn sẽ tiếp tục trong năm tới và thậm chí còn được thúc đẩy nhiều hơn nhờ vào các xu hướng mới trên toàn cầu.

Theo một báo cáo mới nhất của đơn vị nghiên cứu thị trường này, 2018 là một năm với nhiều tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó nổi bật là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ các chủ đầu tư và nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thị trường đã xuất hiện nhiều dự án đang được hoạch định, triển khai, xây dựng và một số thương hiệu và loại hình sản phẩm mới đi vào hoạt động. Nguồn cầu cũng gia tăng ấn tượng với tỷ lệ tăng trưởng lượt khách quốc tế đạt 21% (trong 11 tháng năm 2018 so với 11 tháng 2017), dù giảm nhẹ so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước nhưng đây vẫn được xem là con số rất ấn tượng so với các điểm đến khác trong khu vực.

Các chuyên gia phân tích của Savills Việt Nam cho biết Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ trong hai năm gần đây mà trong suốt một thập kỷ vừa qua với tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế được ghi nhận cao gấp ba lần so với tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu và gấp hai lần so với tỷ lệ tăng trưởng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Trong năm 2017, giá phòng và công suất phòng được ghi nhận tăng trưởng tại hầu hết các điểm đến trên cả nước. Tuy nhiên trong năm 2018 chỉ có một số khu vực như TP.HCM ghi nhận tăng trưởng về giá phòng và công suất trong khi vài địa điểm ven biển khác như Đà Nẵng lại có dấu hiệu chững lại do lượng nguồn cung mới tăng cao.

Nhìn chung, Việt Nam hiện đang trên đà phát triển và chuyển mình từ một điểm đến mang tính trải nghiệm với ít lựa chọn về lưu trú và giải trí thành một điểm đến mang tính nghỉ dưỡng với sức hấp dẫn và khả năng thu hút khách du lịch quay trở lại.

Xem chi tiết tại đây.

 

Theo Reatimes.vn