Hành vi gian lận tại một số cây xăng khiến nhiều người vô cùng bất mãn. Dưới đây là một số mẹo đổ xăng vừa tránh bị gian lận lại cực lời.
Không đổ xăng đầy bình
Chia sẻ trên tờ VTC News, một nhân viên kỹ thuật ô tô cho biết, trường hợp khách hàng không đổ theo một số tiền nhất định mà đổ đầy bình thì vẫn có khả năng sẽ phải trả nhiều tiền hơn so với số xăng thực được đổ.
Nhân viên này nói rõ: "Với cơ chế "cò" bơm tự động, khi đổ xăng tới thời điểm xăng đầy lên và chạm tới mép của vòi bơm, tức ngưỡng an toàn để tránh cho xăng bị trào ra ngoài, thì cột bơm sẽ tự động điều khiển cò ngắt bơm (khi đó khách hàng sẽ nghe thấy tiếng ngắt rất lớn của cò vòi).
Điều này có thể dễ hiểu bởi hút ngược một lượng xăng lại là để tránh việc xăng đầy kín bình, trong khi trong bình xăng cần phải có một khoảng trống nhất định cho việc xăng giãn nở (vì nhiệt lớn) cùng hơi xăng, hơi ga dư thừa, đảm bảo an toàn cho xe và người điều khiển". Do đó, chỉ số bơm xăng vẫn sẽ chạy nhưng lượng xăng thực đổ vào xe sẽ bị ít hơn so với chỉ số hiển thị.
Không mua xăng theo số tiền chẵn
Thông thường người tiêu dùng hay mua xăng theo tiền, và số tiền chẵn như 20.000, 30.000, 50.000 đồng… Tuy vậy, cách mua này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi gian lận khi đổ xăng, do hiện tượng “nhảy số tiền” mà đôi khi khách hàng không để ý.
Để tránh tình trạng này, người tiêu dùng nên mua xăng theo dung tích, ví dụ: 1 lít, 2 lít… Khi bình xăng đã gần cạn, kim chỉ vạch đã về mức màu đỏ, khách hàng chỉ cần đề nghị bơm số lít chẵn, thấp hơn dung tích bình xăng là có thể yên tâm xăng không bị tràn ra xe.
Nhìn người đổ xăng
Việc đổ một bình xăng mà có tới hai người cùng thao tác là không cần thiết. Khi bạn nhận thấy một cột bơm xăng có tới 2 người cùng thao tác: một người bơm và một người bấm số, thì nhiều khả năng cây xăng có gian lận.
Có trường hợp, khách mua 20.000 đồng thì đồng hồ đo sẽ nhảy số khi được 14.000 - 16.000 đồng. Còn nếu bạn mua từ 30.000 đồng trở lên, có thể chỉ 2/3 số tiền đó chuyển thành xăng của bạn.
Yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về "0"
Với lý do khách hàng nhiều, hoặc do đứng xa trụ bơm nên nhiều nhân viên thường để nguyên đồng hồ ở những lần bơm trước, và tiếp tục bán xăng cho bạn. Việc này dù vô tình hay cố ý thì người chịu thiệt sẽ là bạn, bởi luôn có sai số trong phép tính trừ giá tiền giữa 2 lần bơm.
Bạn nên mua xăng ở các cây xăng có nhiều lái xe taxi hoặc xe tải ghé vào. Những lái xe taxi hoặc xe tải thường xuyên đi lại, do đó họ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề xăng dầu hơn chúng ta. Họ là những người đi đầu trong việc tìm kiếm các cây xăng tốt, bởi vì nếu bị gian lận thì số tiền thiệt hại có thể lên đến hàng trăm nghìn mỗi lần mua.
Mua xăng buổi sáng sớm
Lợi dụng đặc tính giãn nở của xăng do nhiệt độ lớn hơn so với nước, người tiêu dụng nên mua xăng vào buổi sáng lúc nhiệt độ vẫn còn thấp. Làm như vậy, các bạn sẽ mua được lượng xăng nhiều hơn với số tiền tương đương khi mua vào buổi trưa hoặc chiều.
Thông thường, sau một đêm, xăng đã “co” lại và hơi xăng trong bồn chứa cũng ngưng tụ gần hết. Những người đến cây xăng đầu tiên sẽ mua được “mẻ” xăng chất lượng nhất với số lượng lớn hơn mà không phải trả thêm tiền. Nếu mua vào lúc trời nóng, hơi xăng sẽ chiếm tỷ lệ cao trong bồn, khiến khách hàng bị thiệt.
Không nên mua lúc xe bồn đang bơm xăng
Vào khoảng 23-24h đêm, xe bồn sẽ bơm xăng vào bể chứa làm gia tăng áp suất bên trong khiến xăng giãn nở. Nếu đổ xăng vào thời điểm đó, người tiêu dùng sẽ phải mua một lượng lớn hơi xăng. Trên thực tế, tỷ lệ chênh lệch giữa xăng và hơi xăng không đáng là bao. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn nên tránh mua xăng lúc xe bồn đang bơm để đảm bảo tính mạng vì nguy cơ hỏa hoạn rất cao.