Bởi với việc phục hồi ngành Du lịch, không chỉ đơn thuần là mở cửa lại các điểm dụ lịch mà còn kết hợp thúc đẩy nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ khác cùng phục hồi, phát triển, với số lượng nhân sự rất lớn.

Thế nhưng, bài toán đặt ra hiện nay là: Làm sao mở cửa du lịch một cách an toàn - nhất là với du lịch quốc tế?

Theo thông tin từ cơ quan quản lý, năm ngoái khách quốc tế giảm 80%, khách nội địa giảm 34%, 9 tháng đầu năm nay so với năm ngoái lại tiếp tục giảm thêm 16% khách nội địa. Lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Vì thế, chỉ có cách sớm mở cửa du lịch thì mới có thể cứu được ngành Du lịch - ngành kinh tế đã từng đóng góp tới 9,2% vào GDP, được UNWTO xếp hạng thứ 6 trong 10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch đứng đầu thế giới. 

Mở cửa du lịch sao cho an toàn?
Mở cửa du lịch sao cho an toàn?

Hiện Việt Nam đã công nhận "hộ chiếu vaccine" đối với công dân hơn 70 nước - trong đó có nhiều nước vốn có số lượng du khách đến Việt Nam rất đông đảo như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc... Nhiều doanh nghiệp cũng mong sớm có hướng dẫn để đón lại khách quốc tế sau gần 2 năm "đóng băng". 

Theo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, để có thể phục hồi ngành Du lịch, trước hết cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành du lịch không bị đứt gãy nguồn nhân lực. Cụ thể, cần kết hợp cả Nhà nước và doanh nghiệp để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch; Thứ hai, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, ở đây là kết nối các điểm đến an toàn, du lịch xanh thông qua công nghệ và xây dựng "bản đồ số du lịch an toàn", nhằm cung cấp thông tin kịp thời các điểm du lịch, tour, tuyến du lịch an toàn; Thứ ba, Bộ VH-TT&DL chỉ đạo các địa phương để tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng đặc sắc, linh hoạt và quan trọng là an toàn. Cần xây dựng các gói du lịch theo hướng mới, tung tour trọn gói, an toàn và chia ra từng nhóm nhỏ...; Cân đối lại thị trường khách du lịch, trong lúc chuẩn bị các điều kiện để mở lại thị trường du lịch quốc tế thì du lịch nội địa vẫn là chủ yếu. 

Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn, thì mô hình du lịch được áp dụng cho du khách quốc tế sẽ là "bong bóng khép kín". Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải tái hoạt động an toàn, không tái hoạt động bằng mọi giá, chạy theo lợi nhuận. 

Một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang lo ngại, đó là quy định của Bộ Y tế yêu cầu du khách quốc tế khi đến Việt Nam phải cách ly 7 ngày. Các doanh nghiệp kiến nghị không cách ly du khách quốc tế. Thay vào đó, du khách đã có hộ chiếu vaccine chỉ phải làm xét nghiệm Covid-19 khi đặt chân xuống sân bay. Trong trường hợp xét nghiệm âm tính thì cho phép du khách được vui chơi, tham quan theo chương trình khép kín. Ngoài ra, sau khi Việt Nam và các nước công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine, Chính phủ nên khôi phục chính sách miễn thị thực cho du khách một số nước như trước đây để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách vào Việt Nam.

Dự kiến từ tháng 11 tới, Việt Nam sẽ bắt đầu đón du khách quốc tế. Để đảm bảo việc tái mở cửa du lịch được thuận lợi và an toàn, các địa phương, doanh nghiệp đang mong chờ những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý - nhất là Bộ Y tế và Bộ VH-TT&DL.

Theo Bảo Khánh/Baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/mo-cua-du-lich-sao-cho-an-toan-20211026055626.htm