Mối liên hệ bất ngờ giữa cảm cúm và đau tim

Bệnh cảm cúm, thường được gọi đơn giản là "cúm", là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm lây lan từ không khí hoặc thông qua tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh. Các virus cúm xâm nhập vào cơ thể, cư trú tại mũi và cổ họng, gây ra các triệu chứng như hắt hơi, ho, đau họng, và đôi khi khiến bạn bị sốt.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa cảm cúm và đau tim. Trong một nghiên cứu được công bố năm 2018 trên Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học đã phát hiện ra nguy cơ đau tim có thể tăng gấp 6 lần trong tuần đầu tiên sau bị cảm cúm so với thời điểm 1 năm trước và 1 năm sau khi mắc bệnh.

cam-cum

Cảm cúm làm tăng nguy cơ đau tim ở người lớn tuổi (Ảnh minh họa)

Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận này sau khi phân tích thông tin chi tiết từ các phòng khám và bệnh viện tại Ontario.

Theo dữ liệu, các nhà khoa học phát hiện 332 người bị đau tim trong cùng năm sau khi bị cúm. Con số thống kê cũng cho thấy, 20 người bị nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tuần mắc bệnh cúm và 69% trong số đó không được tiêm phòng cúm.

Dữ liệu cũng cho thấy những người trên 65 tuổi có nguy cơ bị đau tim sau khi bị cúm cao hơn một chút so với những người trẻ tuổi. Theo các nghiên cứu khác, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim, mặc dù không mạnh như cúm.

Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao không nên trì hoãn việc tiêm phòng cúm

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng chúng ta nên làm mọi thứ có thể để ngăn ngừa các loại nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và tăng cường sức khỏe để tránh bị cảm cúm khi trở trời.

Tiến sĩ Kwong thuộc Viện Khoa Học Đánh Giá Y Học Lâm Sàng (the Institute for Clinical Evaluative Sciences - ICES) và Trung Tâm Y Tế Công Cộng Ontario (Public Health Ontario - PHO) - ở Ontario, Canada cũng kêu gọi các cá nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên chú ý tránh bị cảm cúm và cần lưu ý đến các triệu chứng cảm cúm kể trên nếu họ bị mắc bệnh.

Theo Giadinhvietnam.com