Các khoản thuế phí hiện chiếm hơn 56% tổng giá thành bán ra của mỗi lít xăng. Điều này không chỉ gây áp lực cho người dân và doanh nghiệp mà còn có thể tác động tới mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đề ra.
Trong kỳ điều chỉnh gần nhất 17/4, giá của các mặt hàng xăng trên thị trường đều tăng. Theo đó, xăng E5RON 92 tăng 1.115 đồng mỗi lít; xăng RON 95 thêm 1.202 đồng. Sau điều chỉnh, giá mỗi lít E5RON 92 tối đa 19.703 đồng; RON 95 có mặt bằng giá mới 21.235 đồng.
Đây là lần tăng giá thứ 3 của xăng từ đầu năm đến nay. Giá xăng tăng 4.000 đồng/lít kể từ đầu năm đã tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh khác.
Hiện cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế, thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (4.000 đồng), chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích Quỹ bình ổn (300 đồng).
Chẳng hạn trong mỗi lít xăng RON95 có giá bán lẻ trên thị trường là 21.380 đồng, tổng chi cho các khoản thuế phí, trích lập quỹ dự phòng, lợi nhuận định mức, chi phí vận hành… nói trên (chưa bao gồm giá CIF nhập về) là 12.064 đồng, chiếm hơn 56% tổng giá thành bán ra của mỗi lít xăng RON95. Tương tự với giá bán lẻ 19.700 đồng/lít E5 - RON92, mỗi lít xăng sinh học bán ra thị trường cũng cõng khoảng 11.181 đồng thuế phí, trích lập… nói trên.
Giá xăng rất khó giảm trong tình hình hiện nay. |
Thực tế, giá xăng tăng mạnh thời gian qua được lý giải do trong bối cảnh giá xăng thế giới đang tăng. Các chuyên gia dự báo giá xăng thế giới trong xu thế khó giảm sâu trong năm nay và giá xăng VN hiện không thể đứng ngoài “quỹ đạo” tăng giá.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, nêu quan điểm, giá xăng VN bắt buộc phải được điều chỉnh theo giá quốc tế bởi xăng VN được nhập khẩu là chính. Cho dù năm nay các nhà máy lọc xăng dầu trong nước đang cung cấp hơn 30% xăng cho thị trường nội địa thì giá xăng VN vẫn phải tham chiếu giá thế giới vì xăng lọc cũng nhập từ các nước số lượng lớn và các loại thuế phí nói trên trong bối cảnh hiện nay là “bình thường”.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc giá xăng tăng mạnh sẽ phần nào tác động đến các doanh nghiệp vận tải. Theo thông số chung, xăng dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.
Còn chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực lại cho rằng, trong bối cảnh giá điện tăng cao 8,36% trong tháng 3 và giá xăng cũng liên tục tăng trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, việc giữ mục tiêu lạm phát dưới 4% là một điều không dễ dàng.
Trả lời báo chí, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nêu ý kiến, 1 lít xăng đang “cõng” quá nhiều loại thuế, phí và đề xuất tiết giảm các loại thuế này sẽ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Nguyễn My (Tổng hợp)