Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9, đã có hơn 6.100 xe được nhập về, cao hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ tháng 8. Trong số này, dòng dưới 9 chỗ chiếm trên 80% lượng nhập về với khoảng 4.700 xe, với giá khai báo hải quan bình quân khoảng 400 triệu đồng, rẻ hơn khoảng 10 triệu đồng so với mức nhập hồi tháng 7.
Ở phân khúc xe tải, có 888 xe nhập vào Việt Nam, đạt xấp xỉ 19 triệu USD. Trong nửa đầu tháng 9 chỉ 5 ôtô trên 9 chỗ được làm thủ tục thông quan
Hình minh họa |
Cộng dồn từ đầu năm, Việt Nam đã chi gần 2,3 tỷ USD để nhập hơn 102.000 chiếc. Trong đó, dòng xe 9 chỗ trở xuống vẫn chiếm ưu thế, với hơn 75.848 chiếc, trị giá gần 1,5 tỷ USD. Gần 22.400 ôtô tải được nhập về, trị giá hơn 548 triệu USD.
Lượng nhập khẩu linh phụ kiện về trong 15 ngày đầu tháng 9 giảm so với cùng kỳ tháng 8 khi chỉ đạt 153 triệu USD. Nhưng luỹ kế từ đầu năm, các doanh nghiệp đã chi gần 3 tỷ USD nhập linh phụ kiện. Tại hội nghị ngành cơ khí diễn ra tuần này, ông Toru Kinoshita - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, việc phải nhập 80% linh kiện khiến giá ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước luôn cao hơn xe nhập khẩu khoảng 20%.
Trả lời báo chí, nhiều đơn vị phân phối xe trong nước cho biết những tháng cuối năm, xu hướng nhập khẩu xe sẽ tăng mạnh, gây áp lực lớn cho xe lắp ráp trong nước.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), 8 tháng đầu năm, lượng xe lắp ráp của 11 thương hiệu ôtô trong nước và cộng thêm với lượng xe của Tập đoàn Thành Công là khoảng 167.000 chiếc. Trong khi đó, lượng xe nhập đã vào khoảng 102.000, đuổi gần kịp với lượng xe lắp ráp trong nước.
Doanh số các hãng xe trong nước tính đến tháng 8/2019 giảm khoảng 20.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2018. Xe nhập khẩu đạt hơn 82.800 chiếc, tăng hơn 53.000 chiếc, tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm trước.