Trước mắt, Kế hoạch phối hợp hỗ trợ sẽ lựa chọn ba sản phẩm: vải thiều của tỉnh Bắc Giang, xoài quả của tỉnh Đồng Tháp, nhãn quả và long nhãn của tỉnh Sơn La để nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có đề xuất hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở các thị trường phù hợp. Việc hỗ trợ sẽ được mở rộng cho những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng khác, nhất là nếu như đó là sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương.
Triển khai nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài trong Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2021 số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021, bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương (Bộ CT) Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan ký “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025” dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài đã nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến từ các Bộ, ngành liên quan, một số địa phương có nhiều sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Kế hoạch phối hợp giúp tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, trong đó tập trung vào các biện pháp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở những thị trường nước ngoài trọng điểm, nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
Kế hoạch đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể: Nghiên cứu thực trạng hoạt động hỗ trợ và khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể có liên quan; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài; Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài; Xây dựng, phát hành và đăng tải các tài liệu, ấn phẩm hướng dẫn dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu và chủ sở hữu, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý; Đẩy mạnh tư vấn trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài gắn với sản phẩm xuất khẩu; Thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm.
Các hoạt động phối hợp cụ thể bao gồm: Nghiên cứu thực trạng hoạt động hỗ trợ và khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể có liên quan; Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài; Đẩy mạnh tư vấn trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài gắn với sản phẩm xuất khẩu; Thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm...
Sở hữu trí tuệ nói chung, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý nói riêng đang ngày càng khẳng định vai trò là công cụ đắc lực trong hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất và kinh doanh. Chính vì vậy, Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài được ký kết kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và đặc sản các vùng miền ở nước ngoài.
Nguồn: https://congluan.vn/vai-thieu-xoai-qua-nhan-qua-va-long-nhan-duoc-ho-tro-bao-ho-nhan-hieu-va-chi-dan-dia-ly-post175253.html