Để cung ứng điện an toàn, ổn định, ngành điện đã có những dự án đầu tư xây dựng từ sớm, cùng đó là các giải pháp quyết liệt để đảm bảo tính chuẩn xác trong ghi chỉ số, thu tiền điện của người dân.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương phát triển cả về du lịch, công nghiệp và nông nghiệp. Mùa hè luôn là thời gian ngành điện tại đây phải "căng mình" đáp ứng đủ điện cho các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, du lịch.
Theo dự báo từ Công ty Điện lực Quảng Ninh (Tổng công ty Điện lực miền Bắc), thời điểm nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày khoảng từ 17 - 18 triệu kWh, tăng khoảng 60% so với sản lượng tiêu thụ điện ngày bình thường. Thời điểm này hóa đơn điện của các gia đình thường tăng cao do nền nhiệt độ của Quảng Ninh tăng và nhu cầu sử dụng máy lạnh cũng từ đó tăng lên.
Để đảm bảo cung ứng điện mùa nóng, ngành điện Quảng Ninh đã tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành lưới điện trong mọi trường hợp.
Theo đó, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ để đóng điện các công trình xây dựng mới, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các tháng mùa nắng nóng. Công ty cũng đẩy mạnh ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới để từng bước hoàn thiện mô hình lưới điện thông minh, vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Điều khiển xa trong giám sát, điều hành lưới điện.
Công ty còn khai thác dữ liệu các hệ thống đo đếm xa từ các trạm biến áp 220/110 kV và trạm phân phối để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý nhanh chóng cũng như không ngừng nâng cao chất lượng điện năng cung cấp.
Ông Vũ Đình Tân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết, về kỹ thuật, từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, công ty đã nghiệm thu, đóng điện đưa vào sử dụng 96 trạm biến áp chống quá tải, kịp thời cấp điện cho các khu vực có phụ tải tăng trưởng lớn; đồng thời đóng điện nâng công suất 3 máy biến áp có công suất từ 40 MVA lên 63 MVA thuộc 3 trạm biến áp 110 kV Giáp Khẩu, Cẩm Phả, Giếng Đáy, kịp thời đảm bảo cung cấp điện mùa nắng nóng năm 2021.
Nhờ vậy, nguồn điện cung ứng tại tỉnh Quảng Ninh luôn được đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ông Ngô Đình Trọng, khu phố 2B, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long cho hay, ngành điện thời gian gần đây đã tăng cường nâng cấp lưới điện và các trạm điện, nên hiện tượng mất điện, cắt điện gần như không còn.
"Nơi chúng tôi ở khá hẻo lánh, nhưng nguồn điện rất tốt. Khi có sự cố về nhân viên ngành điện hỗ trợ nhanh chóng", ông Trọng chia sẻ.
Tương tự Quảng Ninh, tại Công ty Điện lực Hưng Yên (Tổng công ty Điện lực miền Bắc), để phục vụ điện trong mùa nóng, trong 4 tháng qua công ty đã đưa vào vận hành 203 trạm biến áp phân phối để chống quá tải cho lưới điện hiện hữu; đồng thời sửa chữa lớn 14 hạng mục 110 kV và 43 hạng mục với lưới điện trung hạ thế, góp phần nâng cao năng lực truyền tải và phân phối điện năng tới khách hàng trên địa bàn tỉnh.
Công ty Điện lực Hưng Yên cũng tăng cường kiểm tra hiện trường lưới điện, sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để kiểm tra lưới điện giúp ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất điện và hư hỏng thiết bị.
Ngoài việc đảm bảo điện trong mùa nóng, việc thực hiện ghi chỉ số chuẩn xác, hạn chế thấp nhất những sai sót trong hóa đơn tiền điện cũng được các đơn vị điện lực quan tâm khi tiêu thụ điện tăng cao.
Ông Vũ Đình Tân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết, song song các giải pháp kỹ thuật, công ty tiếp tục khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân chú ý sử dụng điện an toàn và tiết kiệm để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ.
Theo đó, người sử dụng tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa khi thật cần thiết, đặt nhiệt độ điều hòa ở mức trên 26 độ C; ưu tiên mua sắm các phương tiện thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; hạn chế sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời...
Đặc biệt, để tránh những sai sót trong quá trình ghi chỉ số, ông Tân cho hay, công ty sẽ xử lý kỷ luật cán bộ công nhân nếu để xảy ra sai sót trong quá trình ghi chỉ số.
Việc ghi chỉ số đã có quy trình, quy định cụ thể, đặt cảnh báo. Cán bộ công nhân ghi sẽ thực hiện 100% bằng máy tính bảng, có mức cảnh báo phát sinh điện trên 30%. Nếu vượt quá, người ghi sẽ phải phúc tra lại. Sau khi có thông số khách hàng trên máy tính bảng của công nhân, dữ liệu sẽ được nhập trên hệ thống máy tính để tiếp tục cảnh báo và phúc tra lần 2. Lãnh đạo các đơn vị điện lực sẽ tiếp tục xem danh sách, kiểm tra lần cuối trước khi phát hành hóa đơn.
"Chúng tôi tuyệt đối sẽ không để xảy ra tình trạng sai số, dù nhỏ nhất, gây bức xúc của khách hàng. Cán bộ nhân viên phải thực hiện nghiêm túc, ngoài ghi chỉ số chuẩn xác phải đảm bảo văn minh, lịch sự, các thắc mắc của khách hàng liên quan đến điện đều phải được giải đáp thấu đáo", ông Tân nhấn mạnh.
Trong năm 2021, để phục vụ tốt hơn, Công ty Điện lực Quảng Ninh cũng đã ứng dụng phần mềm dự báo sản lượng điện của khách hàng và phổ biến rộng rãi tới người dân. Đặc biệt, công ty sẽ đưa khoảng 140.000 công tơ điện tử vào lưới điện từ nay đến cuối năm, chiếm 80 - 85% công tơ điện tử. Việc này sẽ giảm bớt sai số, minh bạch số liệu đo tiền điện.
Theo đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc, đơn vị này đang từng bước thay thế công tơ điện tử tại các địa bàn quản lý, tiến tới đẩy nhanh điện tử hóa hệ thống đo đếm, tự động hóa lưới điện, đảm bảo tính chính xác trong việc cập nhật số liệu, hạn chế các sai sót do việc ghi và nhập chỉ số bằng thủ công.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/mua-nang-nong-co-thieu-dien-55281.html