Năm 2018, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8,9 tỉ USD, tăng 15,7% so với năm 2017; tính riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,3 tỉ USD, tăng 9,5%.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 ước đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Như vậy, chế biến gỗ chính thức vượt qua thủy sản (xuất khẩu đạt 9 tỷ USD), trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt tới 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 44% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG, thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản – chiếm 13%, tiếp theo là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Pháp…
Hình minh họa. |
Ở chiều ngược lại, thị trường cung ứng nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ lần lượt chiếm 19% và 14% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ cả nước. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Campuchia giảm 51,69% và Thái Lan giảm 12,26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là các thị trường Malaysia, Chile, Brazil, Đức...
Mỹ là thị trường quan trọng nhất, năm qua nhập gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam lên đến 3,9 tỉ USD, tăng 19,3% so với năm 2017. Thị trường quan trọng thứ hai là Nhật Bản nhập khẩu đến 1,15 tỉ USD, tăng hơn 12% so với năm trước.
Đáng chú ý, Hàn Quốc đã nhập khẩu lượng sản phẩm tương đương 937 triệu USD, tăng đến gần 41% so với năm 2017. Hàn Quốc chính là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của ngành gỗ Việt Nam. “Điều này chứng tỏ sản phẩm ngành gỗ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này”, báo cáo của Bộ Công thương nhận định.
Tùng Linh