Bất động sản Quảng Ninh hứa hẹn bùng nổ
Sức nóng nhà đất Quảng Ninh tập trung ở 3 khu vực chính: khu vực truyền thống là Hạ Long và Bãi Cháy, khu vực phát triển mạnh nhờ chính sách như Vân Đồn và các khu vực mới nổi như Uông Bí, Mạo Khê và Móng Cái. Theo giới phân tích, Quảng Ninh đang ở thời điểm có sự cất cánh mạnh mẽ về hạ tầng, gồm cả đường không, đường bộ và đường thủy. Bên cạnh sự hoàn thiện hạ tầng trong nhiều năm qua thì cuối năm 2018, chuỗi dự án giao thông trọng điểm: cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn chính thức được đưa vào sử dụng, tạo đòn bẩy quan trọng cho du lịch, bất động sản Quảng Ninh.
Ngoài ra, những năm gần đây, Quảng Ninh có sự cải thiện vượt bậc về chính sách. Trung tâm hành chính công của tỉnh đã trở thành mô hình mẫu công tác cải cách và hiện đại hóa nền hành chính. Ban xúc tiến đầu tư của tỉnh cũng được thành lập để thúc đẩy kinh tế và mời gọi các nhà đầu tư. Nhờ đó, từ năm 2013, Quảng Ninh đã luôn duy trì trong top 5 các tỉnh thành về xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, trước khi đạt ngôi vị quán quân vào năm 2017. Hiện nay, hầu như tất cả các chủ đầu tư lớn từ Bim Group, Vingroup, CEO, FLC đều góp mặt ở Quảng Ninh.
Số liệu từ một số sàn giao dịch cho thấy, những tháng đầu năm 2019, tại Vân Đồn mức giá tăng có thể đạt 20 - 30% ở phân khúc đất dự án. Sự khan hiếm sản phẩm sẽ đẩy giá đất nền tăng giá từ 5 - 10 triệu đồng/m2 (mức giá hiện tại là 20-30 triệu đồng/m2). Các vị trí mặt biển có giá từ 45 - 50 triệu đồng/m2 có thể tăng lên 70-90 triệu đồng/m2. Dự báo, bất động sản Quảng Ninh có thể tăng giá từ 20 - 100% so với năm 2018.
Bắc Ninh thêm nhiều đòn bẩy
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Bắc Ninh ước tăng 10,6% so với năm 2017, tiếp tục khẳng định vững chắc là cực tăng trưởng của vùng Bắc Bộ và cả nước. Được mệnh danh là “Thủ phủ FDI” Bắc Ninh đón nhận được đầu tư lớn từ nhiều tập đoàn lớn và thương hiệu toàn cầu như: Cannon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển),...
Không chỉ các doanh nghiệp FDI, các tên tuổi lớn của Việt Nam như: Vinamik, Vinasoy, Kinh Đô,... cũng góp mặt tại đây hình thành lên các khu công nghiệp lớn như: KCN Tiên Sơn, Quế Võ, Thuận Thành, Yên Sơn, Gia Bình,.... Đây chính là một trong những xúc tác quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của miền đất Kinh Bắc đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động từ khắp cả nước đến sinh sống và làm việc tại các KCN trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn có thế mạnh về hệ thống giao thông đồng bộ và thông suốt với rất nhiều trục giao thông lớn chạy qua bao gồm: QL1A, QL 1B mới, QL 18, QL38, đường cao tốc đi sân bay Quốc tế Nội Bài, đường đi đến cảng nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh, tuyến đường sắt xuyên Việt đi Trung Quốc,... giúp Bắc Ninh dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và thương mại phía Bắc.
Song song với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội của Bắc Ninh cũng đã và đang được đồng bộ hóa toàn diện. Từ hệ thống đường xá như đường H2 đường vành đai đến những con đường liên xã liên thôn đều được xây dựng đồng bộ.
Được biết, từ 2 năm trước trở lại đây, nhận thấy tiềm năng và sức nóng của thị trường bất động sản Bắc Ninh, một bộ phận nhà giàu Hà Nội đã đổ về Bắc Ninh tìm đất xây nhà cho thuê. Làn sóng này cùng với sự vào cuộc của giới đầu tư địa phương đã tạo nên cơn sốt đất thổ cư, đất nền Bắc Ninh thời điểm đầu năm 2017. Giai đoạn này, giá đất bị đẩy lên gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2016. Sau đó, giá đã hạ nhiệt, ổn định trở lại và được xác lập ở mặt bằng mới cao hơn.
Khảo sát thực tế cho thấy, hiện giá thuê nhà riêng tại Bắc Ninh khá đắt đỏ. Cụ thể, biệt thự, nhà riêng khu HUD (đường Lê Thái Tổ), đường Ngọc Hân Công Chúa quy mô từ 6 - 10 phòng có giá thuê từ 30 - 50 triệu đồng/tháng. Nhà riêng trên đường Nguyễn Quyền (phường Đại Phúc), tùy số lượng phòng, có giá thuê từ 20 - 35 triệu đồng/tháng. Nhà cho thuê khu Bình Thạnh, quy mô 8 - 10 phòng, được chào giá từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Nhà riêng, biệt thự cho thuê phường Võ Cường, quy mô 5 - 12 phòng có giá từ 20 - 40 triệu đồng/tháng.
Bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu không thua kém
Vài năm trở lại đây, động lực giúp Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh là nhờ sự đột phá trong phát triển hạ tầng. Kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng, khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây. Đặc biệt, sắp tới đây, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào sử dụng, sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay lưỡng dụng Hồ Tràm, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu… được quy hoạch và từng bước đi vào hoạt động đã thúc đẩy xu hướng đầu tư đón đầu tiềm năng bất động sản trung tâm Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc khơi thông dòng kết nối không chỉ thuận lợi với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, mà còn rất dễ dàng kết nối với miền Tây Nam Bộ.
Ngoài yếu tố hạ tầng, theo phân tích của các chuyên gia, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn so với nhiều địa phương khác là hội đủ các các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là địa phương duy nhất phía Đông Nam TP.HCM hội tụ đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp và du lịch nhờ có bờ biển đẹp trải dài hàng trăm km.
Theo khảo sát của Công ty Asian New Time, tại các trục đường chính của TP. Bà Rịa như Hùng Vương, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng có mức giá giao dịch trung bình từ 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng từ 2 - 2,5 lần so với đầu năm 2018. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tên tuổi trong và ngoài nước đều đã và đang có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư như Danh Khôi, Hưng Thịnh, Novaland, Phúc Điền Land, Công ty Địa ốc Việt Hân, Công ty Gia Long, Công ty Nam Hải, hay các đại gia đến từ phía Bắc cũng đang lên kế hoạch vào Bà Rịa - Vũng Tàu như Tập đoàn Tuần Châu, Tập đoàn BRG, FLC…
Thị trường giáp ranh Hà Nội, TP.HCM tiếp tục là cơ hội đầu tư tốt
Từ năm 2016 đến nay, thị trường phía Bắc nở rộ xu hướng đầu tư đất nền tỉnh. Tâm điểm của làn sóng đầu tư là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Đất nền tỉnh được đông đảo nhà đầu tư lựa chọn bởi độ an toàn cao và khả năng tăng trưởng tốt. Đại diện một công ty bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, từ nhiều năm trước các doanh nghiệp đã tiên lượng quỹ đất trung tâm cạn kiệt nên đã chuẩn bị quỹ đất ở những khu vực vùng ven có hạ tầng phát triển. Đây là xu hướng tất yếu khi hạ tầng được đầu tư và quy hoạch bền vững của thành phố. Những đô thị vệ tinh theo quy hoạch đến 2030 cũng là mảnh đất màu mỡ để phát triển các dự án bất động sản có quy mô lớn có tính đồng bộ cao.
Tương tự, UBND TP. HCM đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, sẽ hạn chế cấp phép xây dựng các dự án mới ở khu vực trung tâm và các quận lân cận có mật độ phát triển dân số đông đúc như quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú, điều này cũng thúc đẩy việc phát triển các dự án bất động sản mới ở vùng ven TP. HCM.
An Yên