Giải ngân 46.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Ngay tháng đầu năm 2021, một loạt dự án giao thông lớn được khởi công, như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tổng vốn ngân sách hơn 4.826 tỷ đồng); sân bay Long Thành giai đoạn 1 (tổng vốn hơn 4,1 tỷ USD, do Tổng Cty Cảng hàng không đầu tư). Ngoài ra, trong năm nay, dự kiến một số công trình lớn khác cũng được xây dựng, như 2 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới được chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công (đoạn QL45-Nghi Sơn và Nghi Sơn - Bãi Vọt); Dự án Quốc lộ 19 nối Kon Tum - Bình Định, dự án tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lai Châu - Lào Cai; nâng cấp sân bay Điện Biên, Chu Lai, Côn Đảo…

Bên cạnh đó, 6 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã khởi công tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, trong đó đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ hoàn thành trong năm nay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, dự kiến năm 2021, bộ sẽ giải ngân trên 46.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung đẩy tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Cùng đó, sẽ đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước và vốn dự phòng. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

Cùng với giải ngân đầu tư, theo ông Thọ, Bộ GTVT đã lên kế hoạch kiểm tra, giám sát để xử lý ngay những vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công trình; xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình. Đồng thời, qua giám sát để xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan nếu để xảy ra sai phạm; kịp thời chấn chỉnh, nâng cao năng lực chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát; loại nhà thầu năng lực yếu kém khỏi các dự án của ngành.

Mong có thay đổi về chất

Bày tỏ kỳ vọng về ngành giao thông năm 2021, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thuỷ nói: Kỳ vọng các công trình giao thông về đích đúng hẹn, tạo đột phá cho nền kinh tế, không lặp lại các trường hợp dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Theo ông Thủy, ngành giao thông năm nay cần tập trung để sớm hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông; nâng cấp đường sắt; chống ùn tắc tại các đô thị bằng giao thông công cộng; thay đổi chiến lược giao thông để tối ưu hoá loại hình vận tải, qua đó giảm chi phí cho nền kinh tế, giúp giảm tai nạn, thay vì chỉ tập trung cho đường bộ và hàng không.

Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ông Thủy cho rằng, Bộ GTVT cần giám sát chặt chẽ chất lượng, tiến độ sau một số công trình tai tiếng thời gian qua. Cùng với đó, cần tính toán để kết nối cao tốc với mạng lưới giao thông chung để phát huy tối đa hiệu quả; xử lý vấn đề thu phí khi có sự đan xen giữa những đoạn đầu tư công và đoạn đầu tư BOT. Có như vậy, tuyến cao tốc này mới tạo đột phá và sức bật cho nền kinh tế.

Cũng theo ông Thủy, Bộ GTVT cần xem lại chiến lược phát triển mạng lưới giao thông để tối ưu hoá nhiều loại hình vận tải, không chỉ ưu tiên cho đường bộ với đường cao tốc. Đúng ra, từ 10 đến 15 năm trước phải nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, nay mới bàn tới là quá chậm. Vì đường bộ, kể cả cao tốc dù cải thiện tốc độ lưu thông, nhưng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn, làm tăng chi phí logistics. Một nước có công nghiệp phát triển không thể thiếu mạng lưới đường sắt hiện đại với chi phí vận tải thấp, an toàn cao.

Chúng ta không thể phát triển với mạng lưới đường sắt lạc hậu như hiện nay. Do đó, chiến lược giao thông phải thay đổi. “Giờ chưa mong có đường sắt tốc độ cao, chỉ mong đường sắt hiện hữu được nâng cấp lên thành đường đôi với khổ ray 1.435mm. Khi có tuyến đường sắt như vậy, nền kinh tế sẽ giảm phụ thuộc vào vận tải đường bộ, giúp giảm tai nạn, giảm chi phí vận tải, tiết kiệm cho toàn xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Thuỷ nói. Chuyên gia kỳ vọng, Bộ GTVT có thể kiên định trong lựa chọn quy hoạch sân bay, không nên chạy theo một số ý tưởng, đề xuất xây sân bay ở Ninh Bình, Hà Tĩnh…

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức nhìn nhận, thành quả kinh tế đạt được có phần đóng góp rất lớn từ mạng lưới giao thông đã dần hoàn thiện, đặc biệt là đường bộ và đường cao tốc. Để tạo sức bật cho nền kinh tế thời gian tới, hạ tầng giao thông cần được phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, theo ông Đức, nhìn vào danh mục dự án giao thông đang xây dựng và chuẩn bị đầu tư có thể thấy đường bộ chiếm hầu hết. Dù đường bộ vẫn cần phát triển, song khi nguồn lực còn hạn chế cũng cần cân đối đầu tư các loại hình giao thông khác có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, đặc biệt là với đường sắt. “Mong đường sắt được ngành giao thông phân bổ nguồn lực nhiều hơn trong thời gian tới để tạo ra sức bật”, ông Đức nói.

Bộ GTVT cho hay, trong năm 2021, dự kiến khởi công 19 dự án giao thông, đưa vào sử dụng 24 dự án. Các dự án giao thông dự kiến được hoàn thành trong năm như: đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, cao tốc Cam Lộ - La Sơn; cầu Cửa Hội; cải tạo mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; nâng cấp sửa chữa sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất giai đoạn 2…

Theo Báo Xây dựng

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/nam-2021-ky-vong-giao-thong-tao-dot-pha-299598.html