Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định, với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm giữ vững nền kinh tế vĩ mô và những giải pháp thiết thực, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2023 trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải (bên trái) cùng Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải (bên trái) cùng Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2023.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù có nhiều biến động, nhưng năm 2022, thị trường vẫn giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, huy động vốn trên thị trường vẫn đạt được ở mức cao, đa số các doanh nghiệp niêm yết đều hoạt động ổn định và có lãi. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm ngành chứng khoán cần triển khai.

Thứ nhất, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách sửa đổi Luật Chứng khoán, các luật, văn bản có liên quan tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho việc quản lý, giám sát thị trường.

Thứ hai, trên cơ sở chiến lược ngành tài chính, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được phê duyệt, ngành chứng khoán cần xây dựng một kế hoạch cụ thể để triển khai trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thứ ba, ngành chứng khoán phải đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo thuận lợi cho công chúng đầu tư.

Thứ tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị ngành chứng khoán tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô, chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.

Thứ năm, ngành chứng khoán cần tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của thị trường chứng khoán.

Thay mặt cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành chứng khoán, bà Vũ Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã tiếp thu, lĩnh hội các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định những tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai ngay những nhiệm vụ quan trọng mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã chỉ đạo đối với ngành chứng khoán, từ việc rà soát, xây dựng Luật Chứng khoán, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, ổn định, kỷ cương; cùng đó, đưa các sản phẩm mới, hệ thống công nghệ thông tin mới vào triển khai áp dụng trong năm 2023.

Theo baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/nam-2022-da-so-cac-doanh-nghiep-niem-yet-deu-co-lai-20230103160753.htm