Không chạy theo số lượng

Dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu phát triển Chương trình OCOP của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Hai năm gần đây, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm gặp nhiều khó khăn do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cũng phải thay đổi phương thức và thời gian tổ chức để bảo đảm phù hợp với điều kiện dịch bệnh…

Sản phẩm OCOP góp mặt tại một hội chợ thương mại tổ chức ở huyện Sóc Sơn đầu năm 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Sản phẩm OCOP góp mặt tại một hội chợ thương mại tổ chức ở huyện Sóc Sơn đầu năm 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm của Thành ủy - UBND TP, Chương trình OCOP của Hà Nội thời gian qua vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Riêng trong năm 2021, đã có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được Hội đồng OCOP TP đánh giá, phân hạng và đủ điều kiện trình UBND TP quyết định công nhận (vượt kế hoạch TP giao là 400 sản phẩm OCOP năm 2021). Với kết quả này, Hà Nội sẽ có tổng số hơn 1.500 sản phẩm OCOP kể từ khi Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phát động.

Hà Nội hiện là địa phương đi đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Không ít người băn khoăn đặt câu hỏi, liệu điều này có khiến chất lượng sản phẩm OCOP bị suy giảm?

Ông Nguyễn Văn Chí: Kể từ khi bắt tay thực hiện Chương trình OCOP, Hà Nội đã chủ trương không chạy theo số lượng trong phát triển sản phẩm. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát việc bảo đảm các quy định trong sản xuất được các sở ngành, địa phương chú trọng, thực hiện thường xuyên.

Đơn cử như trong năm 2021, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, giám sát 41 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP của 18 huyện, thị xã. Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát, các thành viên đoàn liên ngành TP đã có những tư vấn, giúp các chủ thể khắc phục tồn tại hạn chế trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác, chứng nhận bảo hộ sản phẩm, vấn đề bảo vệ môi trường cũng như các vấn đề liên quan đến hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP…

Tăng cường kết nối giao thương

Để khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia Chương trình OCOP, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm là vấn đề cốt lõi, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Nhận thức được vấn đề trên, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP trong những năm gần đây. Các sự kiện được xây dựng phù hợp với điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp.

Một số chương trình đã được tổ chức, tạo hiệu ứng lan toả tương đối tích cực mà Hà Nội đã thực hiện gần đây có thể kể tới như: Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội; Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn…

Hà Nội cũng đã tổ chức thành công 4 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn giới thiệu và bán hàng online, offline các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền năm 2021. Đặc biệt là 2 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, TP Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ).

Năm 2022 vẫn là năm có nhiều thách thức, nhất là tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Hà Nội sẽ tập trung vào những khía cạnh nào để phát triển Chương trình OCOP xứng đáng với vị thế lá cờ đầu của cả nước?

Ông Nguyễn Văn Chí: Trong năm 2022, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phát triển Chương trình OCOP các cấp và cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sàn giao dịch điện tử...

Hà Nội cũng sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, các tổ chức, đơn vị nghiên cứu tổ chức Diễn đàn quốc tế về sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, hàng thủ công mỹ nghệ trong năm 2022. Phấn đấu phát triển sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, sử dụng.

Xin cảm ơn ông!

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP, cả nước hiện có 5.693 sản phẩm OCOP được UBND các tỉnh, TP công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 93 sản phẩm được T.Ư đánh giá đạt và có tiềm năng 5 sao. Cả nước phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nam-2022-ha-noi-se-co-dien-dan-quoc-te-ve-san-pham-ocop-277394.html