Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, để giảm lỗ và duy trì sản xuất, năm 2022, VNR tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa, từng bước hỗ trợ cho vận tải hành khách đảm bảo doanh thu và hiệu quả sản xuất.
VNR cũng phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc-Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm…; khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tích cực tham gia vào chuỗi logistics.
Để đẩy mạnh tàu hàng liên vận quốc tế, Tổng Công ty sẽ xúc tiến các biện pháp tháo gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách để nâng cao sản lượng các tuyến Hải Phòng-Lào Cai-Hà Khẩu-Côn Minh, Hà Nội-Đồng Đăng-Bằng Tường-Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc và đi các nước thứ 3; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu bằng đường sắt.
Cụ thể, năm 2022, Tổng Công ty dự kiến thực hiện được sản lượng và doanh thu bằng 89% trở lên so với cùng kỳ; bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Công ty mẹ dự kiến doanh thu bằng 108,4% trở lên so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là 580 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 100 tỷ so với năm 2021. Doanh thu trực tiếp từ vận tải bằng 107,6% trở lên so với cùng kỳ.
Cũng theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2021 kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty bị giảm sút nghiêm trọng. Doanh thu Tổng Công ty hợp nhất dự kiến thực hiện được 6.653,7 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ và đạt 100,9% kế hoạch năm. Nhưng, lợi nhuận sau thuế âm 677,6 tỷ đồng.
Riêng Công ty mẹ - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, doanh thu thực hiện được 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng.
Trong đó, khối vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tốt, thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,5% cùng kỳ nhưng sản lượng vận chuyển hành khách rất thấp: 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, chỉ bằng 37,2% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải chỉ đạt 2.262,8 tỷ đồng, bằng 77,8% so với cùng kỳ.
Khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt có sự tăng trưởng khá, sản lượng 4.266,0 tỷ đồng, bằng 127,9% so với cùng kỳ và đạt 109,2% kế hoạch. Doanh thu 3.899,1 tỷ đồng, bằng 127,7% so với cùng kỳ và đạt 109,6% kế hoạch.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút chủ yếu là do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến vận tải đường sắt, nhất là vận tải hành khách. Mặt khác, dự án đường sắt 7.000 tỷ tập trung triển khai để bảo đảm tiến độ thi công và giải ngân đã làm giảm năng lực thông qua trên tuyến Bắc-Nam và kéo dài thời gian chạy tàu, bắt buộc phải giảm số đôi tàu khách, tàu hàng chạy trên tuyến nên ảnh hưởng giảm sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa.
Nguồn: https://congly.vn/nam-2022-nganh-duong-sat-tap-trung-vao-van-tai-hang-hoa-201983.html