Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, tạo điều kiện để giảm thiểu thiệt hại, hướng tới sự hồi phục sớm là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, có năm mũi giáp công để duy trì tăng trưởng, gồm: Mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh cơ chế và khai thị trường. Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc.
Chính sách muốn hiệu quả, thực thi phải kịp thời
- Ngành Ngân hàng đang triển khai các gói hỗ trợ tín dụng, ngành Thuế đang thực hiện chính sách giãn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tương tự, các địa phương cũng chủ động cùng doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, mà Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức là ví dụ. Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về những động thái trên?
- Tôi rất ấn tượng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 thời gian qua. Các quyết sách đồng bộ đã được đưa ra, thực sự mang ý nghĩa quan trọng để tổng động viên các nguồn lực cho mặt trận chống suy thoái kinh tế, duy trì tăng trưởng.
Có thể nêu khái quát 5 mũi giáp công trên mặt trận này. Đó là: Mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh cơ chế và khai thị trường. “Mở ngân sách” gồm các biện pháp thiết thực như miễn, hoãn, giảm thuế, phí và các khoản phải nộp ngân sách, trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng khó khăn. “Nới tiền tệ” là tái cấu trúc các khoản nợ, giảm lãi suất và thủ tục cho vay, cung ứng kịp thời các nguồn tín dụng với chi phí rẻ hơn, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. “Đẩy đầu tư” bằng các biện pháp giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tham gia vốn của Nhà nước vào các dự án đối tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư kinh doanh của mọi thành phần kinh tế. “Nhanh cơ chế” là tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp. “Khai thị trường” thể hiện qua việc Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho xuất khẩu khẩu trang sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, hoặc tăng dần tần suất các chuyến bay thương mại...
Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại với doanh nghiệp, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm sớm phục hồi kinh tế và chắc chắn sẽ có những chỉ đạo sát sao, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp một cách quyết liệt hơn. Các doanh nghiệp đều đang mong đợi sự kiện này.
- Trên tinh thần chia sẻ để vượt khó, ông nhận xét thế nào về sự vào cuộc của các cơ quan chức năng?
- Chúng ta đều thấy một thực tế là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế; duy trì tăng trưởng; bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Các giải pháp đưa ra khá toàn diện và rộng khắp, với liều lượng phù hợp. Việc tổ chức thực thi nhanh, minh bạch, nhất quán và đồng bộ.
Song, một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cũng cho biết, có trường hợp doanh nghiệp đến cơ quan, đơn vị chức năng thì được trả lời chờ hướng dẫn, tiêu chí, quy trình. Điều đó gây ra sự bị động, lúng túng đối với doanh nghiệp; trong khi thời gian không đợi chúng ta. Người đứng đầu Chính phủ rất sốt ruột, doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” mà ở đâu đó cơ quan công quyền vẫn “ung dung”. Thật khó chấp nhận thái độ thờ ơ trước nguy cơ sụp đổ của một doanh nghiệp, chứ chưa nói đến việc sau đó còn là cả đội ngũ nhân công, cuộc sống của gia đình họ cũng như an sinh xã hội…
- Thưa ông, có lẽ hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn, nhưng mức độ khó khăn thì mỗi lĩnh vực, mỗi doanh nghiệp lại khác nhau, nên sự hỗ trợ cũng khác nhau?
- Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, mỗi doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực đều có đặc thù và hoàn cảnh khác nhau, với mức độ thiệt hại và mong muốn được hỗ trợ khác nhau. Vì vậy, các bộ, ngành, ngân hàng, cơ quan thuế... cần có cách phân biệt, tinh lọc để “bốc thuốc” đúng liều nhưng cần bảo đảm tinh thần khẩn trương.
- Ông muốn nhấn mạnh yêu cầu nhất quán, đồng bộ giữa chính sách và việc thực thi chính sách?
- Đúng vậy. Cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng suốt thì việc thúc đẩy quá trình thực thi cần phải đặc biệt coi trọng và cũng cần phải được triển khai với tinh thần khẩn trương như chống dịch. Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ.
Tôi muốn nói thêm, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đến thời điểm này đã khống chế thành công sự lây nhiễm của dịch Covid-19 và có điều kiện để tái khởi động nền kinh tế, thực hiện kinh doanh an toàn, sống chung với dịch bệnh sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Với điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì mở cửa thị trường nội địa sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và là gói kích thích kinh tế lớn nhất, có hiệu quả nhất lúc này.
Khoảng thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp
- Chúng ta đã nới lỏng cách ly xã hội. Chúng ta cũng đặt vấn đề chống dịch là câu chuyện lâu dài, vì thế phải có cách chung sống an toàn, kinh doanh an toàn. Vậy, những quyết sách, gói hỗ trợ tổng thể của Chính phủ vừa qua đã giúp doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá những gói hỗ trợ của Chính phủ là rất mạnh mẽ, nhất quán và chưa từng có. Nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ kịp thời để có dòng tiền duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ chân người lao động và sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn kinh doanh mới. Hỗ trợ vốn hoặc các biện pháp thông qua thuế, phí đương nhiên là quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là những phản ứng khẩn trương, linh hoạt và có trách nhiệm của cả bộ máy để tiếp sức cho doanh nghiệp. Đội ngũ doanh nhân đánh giá rất cao việc Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh kịp thời đối với chủ trương xuất khẩu lương thực trong hạn mức, trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Tôi cũng bày tỏ sự đồng thuận trước việc cho phép xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế để giúp giải cứu ngành Dệt may trong bối cảnh khó khăn này. Theo phản ánh của các đơn vị trong ngành, sản xuất khẩu trang đã giúp không ít doanh nghiệp duy trì sản xuất; công suất của chúng ta rất lớn, hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa trong khi đơn hàng thế giới tăng nhanh. Ưu tiên bảo đảm yêu cầu phòng dịch trong nước, nhưng cũng nên tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu. Đừng để doanh nghiệp tuy không phải là “trâu chậm” nhưng vẫn phải “uống nước đục” vì rào cản cơ chế.
- Doanh nghiệp luôn trông đợi sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng chắc chắn mỗi đơn vị cũng cần tự lực, chủ động vượt khó để tồn tại. Ông có chia sẻ cách tiếp cận này?
- Thời dịch bệnh phải khẩn trương như thời chiến. Chúng ta đang trong khoảng thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt khó khăn. Hơn 50% doanh nghiệp không thể trụ lại được trong thời gian 5, 6 tháng tới và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Sự quyết tâm, đồng thuận, thấu hiểu, chia sẻ và tinh thần khẩn trương là những yêu cầu quan trọng nhất hiện nay.
Đương nhiên, mỗi doanh nghiệp cũng cần tự lực vượt khó. Một số lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi rằng, trong kinh doanh thì mỗi doanh nhân phải có phẩm chất, bản lĩnh và sự quyết đoán để đưa ra quyết định nhanh chóng. Hơn thế, còn phải tính đến sự chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển thời “hậu Covid-19”, với rất nhiều sự thay đổi so với cách nghĩ, cách làm truyền thống.
Trước mắt, trong tình hình mới, doanh nghiệp cần thực hiện kinh doanh an toàn, tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Đó là biện pháp khôn ngoan và vì mục tiêu lâu dài. Nên xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm để áp dụng các kịch bản ứng xử. Nguy cơ lây nhiễm cao thì kiên quyết ngừng hoạt động. Nguy cơ lây nhiễm thấp hơn thì tùy từng cấp độ sẽ tương ứng với các quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng phải áp dụng biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro phù hợp, theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Trước khi kết thúc cuộc trao đổi, chúng ta sẽ nói thêm về kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, thưa ông?
- Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng thực hiện tốt hai nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt. Một là, thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Hai là, rà soát các vướng mắc, xung đột, bất hợp lý về cơ chế để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, chúng ta có thể điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng; nhưng những chỉ tiêu về cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh thì nhất thiết phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đây là thời điểm thích hợp cho sự đồng thuận để vượt lên, tạo tiền đề cho sự bứt phá trong thời gian tới...
Sự phối hợp, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ quyết định thắng lợi. Để có được một cơ chế phối hợp thường xuyên nhằm duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế, tôi đã đề nghị thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác tái khởi động và phục hồi kinh tế, trong đó có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!