Qua thông tin tổng kết của các chuyên gia WHO, khi vào giai đoạn chùng xuống mà người dân ra ngoài đường, khi đã có dấu hiệu dịch tễ trong cộng đồng việc lây lan dịch bệnh sẽ đến rất nhanh, "không kịp trở tay".

Chiều 10/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã tham dự và chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch (Covid-19) của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung- Trưởng ban Chỉ đạo điều hành phiên họp, cùng sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.

Ca bệnh mới có diễn biến phức tạp hơn

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định, đến nay, Hà Nội có 114 ca nhiễm bệnh trong 34 ngày qua. Tuần này có 9 ca mắc dương tính, so với tuần trước 45 ca, như vậy số ca mắc mới chỉ bằng 1/5 số ca tuần trước. Tuy nhiên, trên địa bàn TP có những ca bệnh như 237, 243 có đi nhiều nơi, trong đó đến cơ sở y tế trên địa bàn. Riêng ca 237 chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm. Có thể thấy, ca bệnh mới có diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố lây lan ra ngoài cộng đồng.

Cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch (Covid-19) của thành phố với sự tham dự của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, CDC Hà Nội đã tiếp tục phát hiện 1 trường hợp dương tính mới, hiện nay đang xét nghiệm lại để khẳng định. Đây cũng là trường hợp bệnh nhân đến chữa tại bệnh viện thận Hà Nội, nằm cạnh bệnh nhân 254.

"Qua việc này chúng ta thấy mức độ nguy hiểm của lây lan dịch bệnh trong giai đoạn này, nếu lây lan thì sẽ đến rất nhanh", Chủ tịch UBND TP lưu ý. Từ những diễn biến này cũng cho thấy bệnh nhân 254 đã lây lan cho các bệnh nhân trong bệnh viện Thận, là những nhóm bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, đề nghị Ban chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã; phóng viên báo, đài tuyên truyền tới người dân của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các nội dung trong lời kêu gọi của Tổng Bí thư, nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 31 của Thành ủy Hà Nội, trong những ngày tới tuyệt đối khi không có việc cần thiết thì không ra ngoài đường.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nêu, trong vài ngày qua báo chí phản ánh và thực tế là một bộ phận người dân đã có vẻ chủ quan hơn. Qua thông tin tổng kết của các chuyên gia WHO, khi vào giai đoạn trùng xuống mà ra ngoài đường, khi đã có dấu hiệu dịch tễ trong cộng đồng việc lây lan dịch bệnh này sẽ đến rất nhanh, "không kịp trở tay". Tại Tokyo (Nhật Bản), Singapore, New York đã cho chúng ta bài học này, lây lan rất nhanh và tăng số lượng ca mắc trong một thời gian rất ngắn.

"Chỉ cần 10% người dân không chấp hành, vẫn ra đường thì tất cả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cách ly xã hội, giãn cách xã hội tại nhà không có tác dụng. Vì vậy tôi mong muốn người dân cần nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội trong 5 ngày tới để virus không có điều kiện lây trên địa bàn, công việc phòng chống dịch bệnh của Thành phố đạt hiệu quả" - Chủ tịch nói.

Xét nghiệm toàn bộ người dân thôn Hạ Lôi

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các đơn vị của TP tiếp tục thực hiện các nội dung công việc: Tiếp tục thực hiện chăm sóc các trường hợp cách ly tập trung; phối hợp CDC để phải xét nghiệm tất cả các trường hợp này trước khi về nhà; quán triệt việc khi về nhà phải cách ly 14 ngày tại gia đình.

Về công tác xét nghiệm, Thành phố chủ trương trong ngày mai và ngày kia tất cả các trường hợp có yếu tố liên quan Bạch Mai phải lấy nốt mẫu xét nghiệm; tiến hành xét nghiệm hết trường hợp F1, F2 liên quan 237, 243, 251 đến 254 và liên quan bệnh nhân mới đã dương tính lần 1 tại Mê Linh.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung- Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến thôn Hạ Lôi, Thành phố đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm được gần 1.700 test, cố gắng tới thứ 5 tuần tới lấy xong toàn bộ các mẫu này. Tổ chức xét nghiệm cho gần 500 bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện Thận và xét nghiêm toàn bộ nhân viên của bệnh viện. Tổ chức xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nghi ngờ cho các lực lượng công an đang làm việc tại các trạm, chốt trên địa bàn. Tiến hành xét nghiệm nhanh cho các trường hợp do Công an TP bắt tạm giam, tạm giữ.

Các trường hợp bắt giữ những thanh niên vi phạm pháp luật, nhất là những đối tượng đua xe, gây rối trật tự công cộng quanh hồ Hoàn Kiếm cần phải kiểm tra, xét nghiệm để đảm bảo không gây lây nhiễm vào nơi tạm giam, tạm giữ trên địa bàn thành phố.

Nêu vấn đề liên quan công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, vừa qua lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện một số trường hợp liên quan trang thiết bị y tế, Chủ tịch UBND TP đề nghị cơ quan chức năng tăng cườn kiểm tra, đặc biệt liên quan trang thiết bị y tế, khẩu trang.

Các cơ sở y tế thực hiện đúng các quy trình khám chữa bệnh trong mùa dịch

Về công tác trang thiết bị y tế cho công tác dự phòng, thành phố đã họp với Sở Y tế và các đơn vị, đã lên kế hoạch, Sở Y tế cũng đã xây dựng các kế hoạch mua sắm trang thiết bị này. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế cần phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và công tác dự phòng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương chuyển giao cho Sở Y tế Hà Nội những thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 do các đơn vị, cá nhân ủng hộ.

Sở Y tế phải là đầu mối tập trung lên kế hoạch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và tổ chức mua sắm, sau đó tiến hành cấp phát cho các đơn vị thực hiện công tác phòng, chống dịch. Không lên kế hoạch cấp phát tiền cho các bệnh viện để tự mỗi bệnh viện đi mua, như vậy sẽ tạo ra các trang thiết bị không đảm bảo đồng bộ về chất lượng cũng như về công tác quản lý.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả các đồng chí giám đốc các bệnh viện cũng như các phòng y tế của các quận, huyện và các trạm y tế của các phường xã thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế hướng dẫn liên quan đến tất cả các trường hợp đến khám, chữa bệnh trên các cơ sở y tế trên địa bàn phải được tiến hành phân luồng, kiểm tra do thân nhiệt, khai báo y tế. Đối với các trường hợp bệnh nhân nặng thì chỉ cho một người nhà thăm gặp, trông nom, không được tổ chức việc thăm gặp nhiều trong bệnh viện.

Đối với Bệnh viện Thận Hà Nội, tất cả các trang thiết bị y tế cũng như đường đi lối lại, ngoài việc phun khử khuẩn, phải được lâu bằng các chất tẩy khuẩn theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn phải đảm bảo giường bệnh, các máy chạy thận… đảm bảo cách nhau 2 m để phòng các trường hợp lây chéo trong các cơ sở y tế.

Thành phố Hà Nội trao số tiền 56 tỷ 200 triệu đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.

Chủ tịch UBND TP đề nghị Công an TP mở cao điểm về phòng, chống tội phạm. Các quận, huyện, thị uỷ và Chủ tịch UBND các quận, huyện và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các phường, xã sớm rà soát những đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần phải đúng, công khai và minh bạch để khi Chính phủ ban hành sẽ triển khai một cách nghiêm túc, kịp thời, không để xảy ra các trường hợp sai sót dẫn đến khiếu kiện.

Đến Chủ nhật này là hết 14 ngày phong tỏa tại bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị quận Đống Đa có quyết định để bệnh viện hoạt động lại bình thường vào Chủ Nhật tới, lưu ý bảo đảm các yêu cầu y tế.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý thay mặt UBND thành phố trao số tiền 56 tỷ 200 triệu đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.

Đây là số tiền mà cán bộ, viên chức, người lao động trên toàn thành phố ủng hộ 1 ngày lương cho công tác phòng, chống dịch của thành phố. Đồng chí Nguyễn Lan Hương thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tiếp nhận số tiền này. Đồng thời, đồng chí cũng thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chuyển giao các trang thiết bị y tế trị giá 2,1 tỷ đồng cho Sở Y tế Hà Nội.


Theo Kinh tế & Đô thị