Những ngày qua, Covid-19 vẫn đang "hoành hành" và lây lan nhanh trên khắp thế giới. Không nằm ngoài sự ảnh hưởng của dịch bệnh, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 251 trường hợp mắc Covid-19. Trong nỗ lực phòng và chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị "Cách ly xã hội" trong vòng 15 ngày (1/4/2020 - 15/4/2020). Sau hơn 1 tuần thực hiện những biện pháp quyết liệt, nước ta đã ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Những tín hiệu tích cực ghi nhận được sau lệnh "Cách ly xã hội"

Tròn 1 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới

Theo bản tin phát lúc 6h00 ngày 9/4, đây là lần đầu tiên trong 1 tháng qua, tròn 24h Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 mới. Tổng số ca mắc hiện tại là 251 trường hợp 156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 95 người lây nhiễm thứ phát.

Có 77.292 người đang được cách ly, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 642 người chiếm 1%; cách ly tại nhà và nơi cư trú là 48.866 người chiếm 63% và cách ly tập trung tại cơ sở khác: 27.790 người chiếm 36%.

Tín hiệu tích cực ban đầu: Tỷ lệ người được chữa khỏi so với tổng ca nhiễm đã vượt quá 50% (Ảnh: VNN)

Đến thời điểm này số ca bệnh mắc Covid-19 đã được chữa khỏi/ra viện ở nước ta là 126 trường hợp. 125 ca bệnh còn lại hiện đang được điều trị tại 17 cơ sở y tế trên cả nước, đa số có sức khoẻ ổn định, trong số này có: 5 bệnh nhân thở oxy. Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 25 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 17 ca. Dự kiến trong ngày 9/4, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ công bố 2 bệnh nhân BN203, BN234 được điều trị khỏi.

VN đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại trạm xét nghiệm nhanh COVID-19 khu vực ký túc xá Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Chia sẻ về tình hình điều trị các ca bệnh Covid-19 ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết đến nay tỷ lệ người được chữa khỏi so với tổng ca nhiễm đã vượt quá 50% và: "Điều quan trọng hàng đầu là chúng tôi chỉ đạo tập trung xây dựng, hoàn thiện các phác đồ điều trị hiệu quả nhất, không để người nhiễm bệnh nhẹ chuyển sang nặng, hạn chế tối đa người tử vong".

Không còn tình trạng tích trữ lương thực

Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 31-CT/TU của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện "cách ly xã hội" - biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô và cam kết đảm bảo đủ nhu yếu phẩm, phần lớn người dân chấp hành nghiêm chỉnh bởi nhận thức được việc nếu mua sắm hay tập trung đông người mà không thực hiện các biện pháp an toàn đầy đủ thì sẽ có nguy cơ lớn lây nhiễm bệnh.

Hà Nội trong tuần đầu thực hiện lệnh "Cách ly xã hội"

Đối với người tiêu dùng Việt, thời điểm này, việc mua bán tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống có một sự bất tiện là phải tiếp xúc với khá nhiều người, tăng nguy cơ lây nhiễm nên đa số lựa chọn các loại hình mua sắm trực tuyến sẽ giúp khách hàng được sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi, không phải tiếp xúc nơi công cộng, không bị giới hạn về thời gian và không gian mua sắm. Người tiêu dùng có thể mua sắm mọi nơi, mọi lúc từ mọi cửa hàng và nhà cung cấp khác nhau. Nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các siêu thị luôn dồi dào nên không còn tình trạng đầu cơ, tích trữ lương thực như thời điểm trước.

Chợ dân sinh ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) vắng vẻ do tâm lý lo ngại tiếp xúc nơi đông người của người dân

Các siêu thị luôn đảm bảo đủ nguồn cung, người dân thay đổi hành vi mua sắm từ trữ tiếp (offline) sang trực tuyến (online)

Lạc quan nhưng không chủ quan

Mặc dù có những tín hiệu tích cực nhưng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, vẫn thống nhất phải kiên định nguyên tắc từ đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi bởi "chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng".  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn nhân dân đã đồng lòng nhưng đề nghị tuyệt đối không được chủ quan

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác. Nhìn lại, ngay trong giai đoạn 1, khi 3 tuần liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới nhưng Bộ Quốc phòng vẫn tổ chức diễn tập toàn quân để ngay trong tình huống tốt nhất vẫn phải lường trước tình huống xấu nhất.

"Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện. Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ" - PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ.

Trước những thông tin tích cực ban đầu, một bộ phận nhỏ người dân Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu chủ quan khi vẫn ra ngoài mà không có việc cần thiết.

Theo ghi nhận của PV, trên đoạn đường đi bộ của sông Tô Lịch đã có khá nhiều người dân tập trung để tập thể dục. (Ảnh: Tú Anh)

Khu vực Công viên Cầu Giấy, mặc cho tất cả lối vào đã được đóng nhưng người dân vẫn chọn đây là địa điểm để tập thể dục (Ảnh: Tú Anh)
Đường phố "bỗng nhiên" đông đúc trở lại (Ảnh: Tú Anh)

Việt Nam đã bước sang ngày thứ 9 thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và có liên tiếp 3 buổi sáng (từ 5 - 7/4) và lần đầu tiên tròn 24 giờ trong 1 tháng qua không có ca mắc mới COVID-19. Những kết quả đó cho thấy, các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam đang hiệu quả.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, dịch bệnh Covid-19 đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội để giữ vững thế chủ động chống dịch. Đặc biệt, người dân không nên lơ là chủ quan khi thấy số ca bệnh mắc ít và tấp nập ra đường, giao lưu nhiều người.

Dù cuộc chiến chống dịch vẫn còn cam go, chúng ta lạc quan nhưng không chủ quan, tin tưởng vào sự chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chức năng thì chắc chắn sẽ vượt qua được đại dịch.

Bộ Y tế đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả:

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đẫ đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:

1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.

2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.

3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.

4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.

5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.

6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.

8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.

9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.

10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.


Theo Trúc An/Đô thị mới