Mới 6 tuổi nhưng bé Huy Hoàng (ở Hà Nội) đã cao hơn rất nhiều so với các bạn nam cùng trang lứa. Điều này khiến chị Nhung, mẹ bé rất phấn khởi vì cho rằng, con mình ăn uống và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, chị lại trở nên lo lắng khi thấy giọng nói của con trai ngày càng khàn đi, mặt mọc nhiều mụn trứng cá. Đặc biệt, khi tắm cho con, chị Nhung phát hiện ở bộ phận sinh dục của con đã xuất hiện lông mu.

Khi ấy, bà mẹ trẻ mới tá hỏa đưa con đi khám thì “ngã ngửa” khi bác sĩ thông báo con trai chị mắc hội chứng dậy thì sớm, cần phải được điều trị, nếu không đến lúc trưởng thành sẽ mất đi cơ hội phát triển chiều cao.

Thực tế, trường hợp của bé Hoàng không phải là hiếm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu như ngày nào cũng có trẻ đến khám với các dấu hiệu của dậy thì sớm.

 Gia tăng chiều cao bất thường khi dưới 10 tuổi có thể là dấu hiệu của dậy thì sớm ở nam giới. Ảnh minh họa

Gia tăng chiều cao bất thường khi dưới 10 tuổi có thể là dấu hiệu của dậy thì sớm ở nam giới. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng ở trẻ em trên toàn thế giới, nhất là các bé gái. Chính vì lẽ đó, nhiều người thường quan tâm đến việc bé gái bị dậy thì sớm sẽ làm gia tăng nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục mà ít để ý đến dậy thì sớm ở bé trai.

Theo BS Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương), ở bé trai, dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 9 tuổi. Các dấu hiệu điển hình là: Tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, trứng cá, giọng trầm đi, gia tăng chiều cao, cân nặng một cách nhanh chóng…

Tuy nhiên, cũng theo BS Trần Thu Thủy, trẻ nam dậy thì sớm thường tăng chiều cao rất nhanh (từ 10 - 15cm/năm) nhưng cũng kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ lớn vọt so với các bạn cùng lứa, nhưng sau vài năm chúng ngừng phát triển và không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành.

Do đó, với những bé trai dưới 9 tuổi có biểu hiện cao bất thường, bố mẹ đừng vội mừng mà cần theo dõi thêm các biểu hiện khác như: Trẻ có bị "vỡ giọng" không?; đã xuất hiện ria mép, lông nách hay lông mu hay chưa... Nếu trẻ cao nhanh chóng cùng các biểu hiện trên, cần cho trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra khả năng bị dậy thì sớm.

Bé trai dậy thì sớm nguy hại ra sao?

Theo các bác sĩ, phần lớn trường hợp bé trai dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này, trong số đó phải kể đến u não, các bệnh tuyến giáp.

Trường hợp trẻ nam bị dậy thì sớm, ngoài việc có nguy cơ bị giới hạn chiều cao, tức là bị lùn hơn so với thông thường, trẻ còn phải chịu những áp lực về tâm lý khi thấy mình khác biệt với bạn bè.

Cụ thể, trẻ sẽ luôn có cảm giác lạc lõng, tự ti về giọng nói ồm ồm cùng những thay đổi trên cơ thể của mình. Chưa kể đến việc, nếu trẻ bị các bạn khác khác trêu chọc về ngoại hình “không giống ai” của mình thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn vì có thể dẫn đến việc trẻ sống thu mình, ngại giao tiếp với mọi người, thậm chí bị trầm cảm, tự kỷ.

Bên cạnh đó, khi dậy thì, nội tiết tố trong cơ thể trẻ cũng thay đổi, kích thích nhu cầu và ham muốn tình dục. Điều này rất nguy hại vì trẻ còn quá nhỏ, chưa có những kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, có thể sẽ làm tổn hại đến bản thân và những người xung quanh.

Lưu ý về chế độ ăn để hạn chế bé trai bị dậy thì sớm

Theo các chuyên gia, ăn uống dư thừa chất dinh dưỡng; ăn phải các loại thực phẩm chứa các chất kích thích hoặc thói quen ăn đồ ăn nhanh cũng ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Theo đó, để đảm bảo trẻ phát triển bình thường, bố mẹ cần tránh bổ sung quá nhiều các chất dinh dưỡng không cần thiết, nhất là những loại thực phẩm trẻ chưa nên sử dụng (đông trùng hạ thảo, nhân sâm, sữa ong chúa…)

Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ ăn những món thịt từ gia súc, gia cầm có sử dụng chất tăng trọng, thức ăn gia súc thúc đẩy tăng trưởng. Vì những thực phẩm này có tồn dư chất tăng trọng, khiến trẻ dễ bị mắc nguy cơ dậy thì sớm.

Đồng thời, tránh các loại thức ăn chiên rán với nhiều dầu mỡ; các loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao; các loại đồ uống chứa các chất kích thích…vì nếu sử dụng quá thường xuyên sẽ làm cho trẻ hấp thụ nhiều chất béo, dẫn đến rối loạn nội tiết, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của trẻ.

N.Mai

Theo Giadinh.net.vn