Gia tăng trẻ nhập viện vì biến chứng bệnh cúm mùa
Theo Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện tình hình bệnh cúm đang có sự phát triển phức tạp với số ca mắc gia tăng mạnh, nhất là thời điểm sau tết Nguyên đán.Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận vào điều trị khoảng 3 - 15 bệnh nhân mắc cúm/ngày. Đặc biệt, tại khoa Truyền nhiễm hiện có 3 trường hợp trẻ biến chứng viêm não sau mắc cúm.
Trẻ nhập viện điều trị cúm mùa tại BV Nhi Trung ương
Các trẻ này có biểu hiện li bì, chậm chạp, nôn khan sau 3 - 4 ngày mắc bệnh. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, nếu mọi năm, biến chứng viêm não chỉ là một vài trường hợp cá biệt thì năm nay số lượng biến chứng viêm não nhiều hơn.
Bác sĩ cho biết, thông thường, bệnh có các biểu hiện như sốt rất cao (khoảng 39 - 40 độ C), xử lý thuốc hạ sốt không tốt sẽ gây co giật ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương. Trẻ mắc bệnh có ho nhiều, buồn nôn, chảy nước mắt nước mũi, họng viêm đỏ hoặc có thể viêm phế quản.
“Các biến chứng thường gặp như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn khác có tại vòm họng. Năm nay, biến chứng viêm não sau mắc cúm xuất hiện rất nhiều. Trước đây khá hiếm, chỉ khoảng 1 - 2 ca/năm nhưng năm nay, thời điểm này đã xuất hiện 3 - 4 trường hợp”, bác sĩ Hải cho biết.
“Khi gia đình có trẻ bị cúm, phụ huynh cần: cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khoảng 6 tiếng/lần để đưa nhiệt độ cơ thể xuống 38 độ C;Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối và dùng thuốc giảm ho để trẻ giảm biến chứng viêm phổi của trẻ.
Đặc biệt, người lớn cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ nhiễm trùng, cứ số 1 độ C, người lớn cần tăng dinh dưỡng lên 10% để giúp cơ thể trẻ phụ hồi nhanh hơn” - Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh.
Theo chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, mặc dù là bệnh có thể chăm sóc tại nhà, trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 4 - 7 ngày mắc bệnh.Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến ác tính, có biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu số cao liên tục dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, trẻ khó thở, không chơi, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gấp để trẻ được thăm khám và tư vấn kịp thời.
“Với trẻ có nền bệnh hen phế quản, phế quản co thắt kích thích cơn co thắt gây khó thở rất nhanh, viêm phổi, bệnh lý suy giảm miễn dịch, hội chứng thận hư, suy thận, ung thư hay trẻ suy dinh dưỡng nặng, béo phì… mà mắc thêm virus cúm thì nhất thiết phải cho trẻ nhập viện để kịp thời theo dõi, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc’- BS Hải khuyến cáo.
Ngoài ra, bác sĩ cũng lưu ý, nhiều cha mẹ tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc tamiflu điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, kháng sinh không có tác dụng trong điều trị cúm. Riêng với thuốcTamiflu, chỉ chẩn đoán trong 48 giờ đầu khi có sốt, dùng thuốc mới có tác dụng, sau khoảng thời gian đó hầu như rất ít hiệu quả.
Cúm không phải là một bệnh nhẹ và lành tính đối với trẻ em
Theo các chuyên gia nhi khoa, biểu hiện của bệnh cúm ở trẻ nhỏ rất dễ khiến các phụ huynh bị nhầm lẫn với hiện tượng cảm lạnh thông thường bởi các triệu chứng tương tự nhau như: đau họng, sổ mũi/nghẹt mũi, đau họng, sốt, đau đầu…Tuy nhiên các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn và có kèm các cơn ớn lạnh, sốt cao và gây mệt mỏi. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp.
Bởi đối với trẻ dưới 06 tuổi, đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh thường diễn biến nặng và khó lường. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràng khí, tràng dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.
Theo ThS BS. Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết: “Cúm ác tính là một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm nhất. Cảm cúm đa phần là tự hết chứ chưa có thuốc đặc trị, nhưng cúm ác tính có thể dẫn đến tử vong mà không có dấu hiệu báo trước.
Bên cạnh đó, bệnh viêm phổi cũng đặc biệt nặng nề đối với trẻ nhỏ vì nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong. Còn người lớn mắc viêm phổi đa phần phải điều trị nội trú. Ngoài ra, hen suyễn và COPD cũng là những bệnh nguy hiểm, gây tử vong nếu vào đợt cấp mà không nhập viện kịp thời”.
Do vậy, khi trẻ nhập viện thăm khám và được xác định là cúm sẽ được chỉ định thuốc điều trị. Việc điều trị bằng thuốc sẽ làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian nằm viện và phòng ngừa biến chứng.
Trường hợp bé P.H.A – 03 tuổi (Biên Hòa, Đồng Nai) là một ví dụ điển hình. Do sẵn cơ địa dị ứng nên béP.H.A hay bị sổ mũi, viêm họng,… Những ngày giữa tháng một vừa qua, bé A. bị sốt nhẹ, ho húng hắng, thở khò khè. Gia đình chủ quan trước những triệu chứng vì cho rằng đây chỉ là cảm cúm thông thường nên đã mua thuốc theo đơn cũ cho bé uống.
Hết đơn thuốc, bé không đỡ mà còn nặng hơn với những triệu chứng khó thở, bỏ ăn và tình trạng ngày càng xấu đi. Gia đình gấp rút đưa bé vào khám BV ĐHYD thì bác sĩ kết luận bé bị viêm phổi cấp do virus. Vì không có thuốc đặc trị cúm nên bé được điều trị nâng đỡ, uống thêm vitamin C, và sử dụng các loại thuốc hỗ trợ khác. Hiện nay, bé đã khỏe và đã được xuất viện.
Vì vậy, các bậc cha mẹ nên theo dõi trẻ khi trẻ có những dấu hiệu khác thường, nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị đúng và kịp thời. Trẻ em cần tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa.