Vụ tai nạn thương tâm của 4 nữ sinh tại Hà Tĩnh xảy ra vừa qua là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, nhà trường đối với việc quản lý con cái, quản lý học sinh trong vấn đề điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ kiến thức và kỹ năng lái xe…

Tai nạn thương tâm

Một vài năm trở lại đây, tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi ngày càng phổ biến. Không chỉ không đủ điều kiện về giấy tờ, nhiều em học sinh thậm chí còn không tuân thủ các quy  định pháp luật về an toàn giao thông như đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…

Vài ngày trước, tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), 4 nữ sinh chở nhau trên xe máy đã đâm vào cột mốc bên đường. Hậu quả, 2 nữ sinh tử vong tại chỗ, 2 em còn lại bị thương nặng, được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các nạn nhân đều là học sinh lớp 8 của một trường trung học cơ sở. Nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn là do các em học sinh điều khiển xe máy vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Trước đó, từng có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên khắp cả nước mà nạn nhân là các em học sinh trẻ tuổi. Vụ tai nạn nghiêm trọng ngày 16/9/2019 khi em Đ.T.T.P (15 tuổi, ở Hải Phòng) điều khiển xe máy mang biển số 15AL- 009.11, chở theo bạn do không làm chủ được tay lái, tốc độ nên đã va chạm với ô tô đầu kéo. Hậu quả, một em đã tử vong tại chỗ, còn em P bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Trường hợp khác, hai học sinh 17 tuổi (ở huyện An Lão, Hải Phòng) đi xe máy dưới 50cc, không lắp biển kiểm soát đã va chạm với 1 xe máy đi ngược chiều tại đường Trần Tất Văn, khiến 2 người tử vong, 2 người bị thương khiến dư luận bàng hoàng, tiếc nuối.

Phân thích nguyên nhân sâu xa, ông Chu Côn Minh, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu giao thông, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cầu Đường, trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Do công tác giáo dục về an toàn giao thông chưa được chú trọng. Hiện nay, ngoài thời lượng chương trình ngoại khóa về an toàn giao thông trung bình khoảng 1 - 2 buổi/học kỳ, nội dung về an toàn giao thông chủ yếu được lồng ghép trong môn Giáo dục công dân với thời lượng là 2 tiết/kỳ. Các tiết dạy có nội dung chủ yếu về quy tắc và biển báo hiệu giao thông đường bộ. Chưa có nội dung về giảng dạy kỹ năng điều khiển phương tiện.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cũng nhìn nhận: "Học sinh là lứa tuổi bắt đầu thích tự lập, muốn thể hiện bản thân nên thích được tự điều khiển phương tiện giao thông. Trong khi đó, việc giáo dục trong nhà trường lại chưa sát sao được điều này. Vì thế chúng ta cần có những biện pháp quyết liệt hơn, giải pháp đối với phụ huynh học sinh trong việc đảm bảo phương tiện đến trường an toàn cho con em mình và giải pháp xử lý phù hợp để em thấm thía và không tái vi phạm".

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm tại Hà Tĩnh khiến 2 em học sinh tử vong tại chỗ

Nhà trường tăng cường xử lý kỷ luật

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công điện khẩn sau thông tin về vụ tai nạn khiến 4 nữ sinh thương vong ở Hà Tĩnh. Công điện nêu rõ, nguyên nhân vụ tai nạn một phần do các gia đình đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý con em khi đi học, giao xe cho con đi khi chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy.

Ngoài ra, để xảy ra những vụ việc này còn có trách nhiệm của nhà trường, ngành Giáo dục. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh mà không kịp thời ngăn chặn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, hiện nay trên cả nước tình trạng học sinh phổ thông, nhất là cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; tập trung vào một số hành vi vi phạm như: Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông tương tự, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học phối hợp với ban đại điện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; không chở quá số người quy định; không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe.

Hiệu trưởng các trường kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi.

Cùng với đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị chủ tịch UBND các địa phương yêu cầu người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh.

Đồng thời, Ủy ban chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, nhất là các hành vi vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi...

Thực tế những vụ việc thời gian qua cho thấy có nhiều nguyên nhân do yếu tố chủ quan từ nạn nhân như sử dụng bia rượu, chạy quá tốc độ, chở quá người quy định... hay yếu tố khách quan từ người gây ra tai nạn nhưng chung lại những cái chết trẻ đau lòng trở thành bài học cảnh báo cho mọi người khi tham gia giao thông.

Ngay lúc này, gia đình và nhà trường cần đề cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý con em để không còn vụ tai nạn giao thông thương tâm nào diễn ra do việc điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô