Dù chịu nhiều tác động của thị trường, nhưng nhờ khả năng quản trị tốt, chất lượng tài sản luôn nằm trong top đầu ngành cùng chiến lược phát triển số hóa, năm 2022, lợi nhuận của TPBank vẫn tăng trưởng 30% và vinh dự trở thành “Ngân hàng vững mạnh hàng đầu Việt Nam 2022”. Dự kiến, ngân hàng sẽ lan tỏa niềm vui đến cổ đông với ý định chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 25% được trích từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2021 của TPBank.

Tín hiệu vui cho các cổ đông nắm giữ TPB

Kể từ khi niêm yết, liên tiếp trong các năm, TPBank đã thực hiện việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 28,1% trong năm 2018; 22,18% trong năm 2020; 35% trong năm 2021; và dự kiến 25% cho năm 2022, chưa bao gồm các chương trình ESOP và cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Đến thời điểm hiện tại, khi nhận thấy các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng luôn ở mức ổn định - vững bền, có bề dày và phát triển an toàn, lành mạnh, TPBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Với gần 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, số tiền chi trả có thể khoảng 3.955 tỷ đồng, tương ứng 2.500 đồng/cổ phần, được trích từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2021 của TPBank. Lợi nhuận còn lại và các quỹ thặng dư lũy kế đến hết năm 2022 của TPBank đạt hơn 13.364 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.486 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, nếu phương án chia cổ tức bằng tiền mặt được phê duyệt thực hiện, số lợi nhuận để lại và quỹ thặng dư lũy kế đến năm 2022 sẽ được dành để tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến nâng mức vốn điều lệ lên hơn 25.000 tỷ đồng, qua đó đảm bảo tăng quy mô vốn, nâng cao năng lực tài chính, tạo nền tảng để phát triển mạng lưới chi nhánh, mở rộng thị phần và quy mô kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn trung dài hạn cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Đây là tín hiệu đáng mừng với các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu TPB, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Hưng nhấn mạnh: “Nếu trả cổ tức bằng tiền mặt, việc đảm bảo duy trì các chỉ số an toàn hiệu quả và tuân thủ nghĩa vụ thuế, tài chính theo quy định của pháp luật của TPBank hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Chúng tôi kỳ vọng các cổ đông, các nhà đầu tư tiếp tục dành niềm tin, sự tin tưởng đối với TPBank trong những năm tiếp theo”.

Trong nhiều năm liên tục, TPBank vẫn luôn giữ vững vai trò của một ngân hàng tiên phong trong công nghệ số, áp dụng số hóa trong quy trình nội bộ cũng như gia tăng trải nghiệm với khách hàng. Các hoạt động kinh doanh luôn được bám sát, tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật, đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và lành mạnh. TPBank cũng liên tục nằm trong Top các doanh nghiệp nộp Thuế Thu nhập Doanh nghiệp lớn nhất trong năm, đóng góp nhiều nhất cho Ngân sách Nhà nước.

Trong năm 2022, với những nỗ lực bền bỉ, TPBank đã đạt 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. Tổng tài sản của ngân hàng cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động năm 2022 của ngân hàng đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021.

Tổng huy động trong năm qua của TPBank cũng đạt những bước tiến lớn khi chạm mốc khoảng 289 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của “Bank tím” đạt khoảng 2% trong năm.

Tháng 12/2022, trên bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do tạp chí The Asian Banker công bố, TPBank gây bất ngờ khi vượt 143 bậc so với năm ngoái để vươn lên vị trí thứ 61/500 ngân hàng khu vực và vượt lên cả những tên tuổi như Vietcombank (đứng thứ 66), MB (đứng thứ 72), Vietinbank (đứng thứ 129), BIDV (đứng thứ 127), Techcombank (đứng thứ 101)... để trở thành “Ngân hàng vững mạnh hàng đầu Việt Nam”. TPBank đạt điểm số cao ở nhiều tiêu chí quan trọng như tỷ lệ an toàn vốn, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản, thanh khoản,…

Tiên phong áp dụng theo chuẩn Basel III, ILAAP, IFRS, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được TPBank quản lý rất chặt chẽ. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại ngày 30/11/2022 đạt 12.96%, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn là 8%. Trên thị trường 1, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi (LDR) của TPBank ở mức khoảng 85% tính đến hết năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank cũng luôn nằm trong top thấp nhất khi được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1%, phản ánh chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản của ngân hàng.

“Khi triển khai đồng thời các chuẩn mực quản trị rủi ro, quản trị tài chính quốc tế như Basel III, ILAAP, IFRS9, áp lực về kế hoạch vốn của ngân hàng trong trung và dài hạn là rất lớn, buộc TPBank phải lập kế hoạch chặt chẽ, tối ưu hóa nguồn vốn, xây dựng các kế hoạch kinh doanh hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh nhưng vững bền của ngân hàng”, ông Nguyễn Hưng, CEO của TPBank chia sẻ.

Trong báo cáo phân tích về rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, so sánh tương quan khả năng đáp ứng rủi ro thanh khoản giữa các ngân hàng niêm yết của Công ty chứng khoán VNDirect, TPBank cũng là ngân hàng dẫn đầu trong khả năng đáp ứng thanh khoản khi có tới 4/6 chỉ tiêu đạt mức thứ hạng cao.

Trong năm 2022, TPBank cũng là một trong 9 ngân hàng được Moody’s nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn (từ B1 lên mức Ba3); xếp hạng rủi ro đối tác của ngân hàng được giữ nguyên ở mức Ba3. Đại diện Moody’s cho biết, việc nâng điểm tín nhiệm cơ sở BCA cho TPBank dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của Việt Nam cũng như sự cải thiện đáng kể về chất lượng tài sản của ngân hàng, trong đó chú trọng tới những cải thiện từ sức mạnh tín dụng nội tại, đặc biệt là công tác xử lý nợ xấu, cải thiện mạnh mẽ nguồn vốn của ngân hàng.

Theo Hà Anh/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ngan-hang-vung-manh-hang-dau-viet-nam-2022-tpbank-du-kien-tra-co-tuc-bang-tien-mat-4000-ty-dong-20201231000008743.html