Bộ Y tế sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay chai nhựa dùng một lần tại các cuộc họp. |
Sáng 16/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm triển khai sâu rộng Chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế.
Chất thải nhựa chiếm 5% trong số chất thải y tế phát sinh
Theo số liệu báo cáo năm 2017 của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn/năm, lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%).
Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Cục chưa tiến hành điều tra, đánh giá tỷ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành y tế cũng như chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa phát sinh của ngành hàng năm. Tuy nhiên, qua khảo sát tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thì tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này trong khoảng 10-45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12-17%.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham quan triển lãm trưng bày các sản phẩm thân thiện với môi trường. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong ngành y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng một lần như bơm kim tiêm dùng một lần, dụng cụ thiết bị dùng một lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm... đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc này đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày. Do đặc thù trong ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân tại cơ sở y tế cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn. Trong đó đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.
Ngành y tế vào cuộc "nói không" với sản phẩm nhựa
Năm 2018, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Bộ Y tế đã có Công văn số 1505/MT-YT gửi các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế và Công văn số 1506/MT-YT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai phong trào. Theo đó, Sở Y tế và các cơ sở y tế cũng tại một số địa phương đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở.
Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện các biện pháp giảm phát sinh từ đầu nguồn như ưu tiên chọn sản phẩm ít phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động phát thải không cần thiết, đồng thời đưa ra các khẩu hiệu hành động: “Hạn chế phát sinh – phân loại đúng – thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý – xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc: Tuân thủ nguyên tắc (3R = Reduce – Reuse – Recycle): Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế.
Rác thải nhựa trong ngành y tế. (Ảnh minh họa) |
Tại tỉnh Bình Định, từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019, các cơ sở y tế tại tỉnh Bình Định đã xây dựng và triển khai các hoạt động “Chống rác thải nhựa” gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác của từng đơn vị, thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” và túi ni lông khó phân hủy. Trong bốn tháng đầu triển khai các cơ sở y tế tỉnh Bình Định đã thu gom, phân loại và giao cho các cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý gần 73.340 kg chất thải nguy hại; 6.500kg chất thải nhựa có thể tái chế. Việc tái chế, tái sử dụng túi nilon đã giảm thiểu 10.000 túi nilon dung tích 15 lít thải ra môi trường.
Tuy nhiên, việc thay đổi các sản phẩm nhựa dùng một lần sang sản phẩm thân thiện môi trường là một thách thức. Thực tế, việc tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau, và hầu hết là chưa bảo đảm cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bên cạnh đó, để thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải, chất thải nhựa là một quá trình.
Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng sinh thái môi trường, phát triển bền vững và sức khỏe con người, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các đơn vị ngành y tế cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân...
Các cơ sở y tế cần có lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế; từ sinh hoạt thường ngày; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa một lần có thể thay thế và ni lông khó phân hủy trong đơn vị.
“Tôi cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa một lần có thể thay thế được ngay từ hôm nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lễ ký cam kết Giảm thiểu chất thải nhựa giữa Bộ trưởng Y tế với lãnh đạo các đơn vị. |
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký cam kết Giảm thiểu chất thải nhựa giữa Bộ trưởng Y tế với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; giữa Giám đốc Sở Y tế với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tại 63 điểm cầu địa phương.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nganh-y-te-vao-cuoc-noi-khong-voi-san-pham-nhua-8847.html