Phát biểu tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, tổ chức chiều 3/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ có 8 người nhiễm bệnh (dương tính với nCoV). Số trường hợp nghi ngờ là 303 người, trong đó đã loại trừ 214 người (âm tính) còn lại 89 người đang chờ kết quả xét nghiệm.

So với ngày 2/2, số nghi ngờ tăng thêm 67 trường hợp, ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Vĩnh Phúc (hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh); loại trừ thêm 51 trường hợp; số trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm tăng 37 trường hợp; số trường hợp nghi ngờ tiếp xúc gần đang được theo dõi sức khoẻ tăng 16 trường hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị chiều 3/2. Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Hiện tại, chưa có cán bộ y tế Việt Nam nào bị lây nhiễm bệnh. Đáng chú ý, trong số những người mắc bệnh (8 ca) chúng ta đã chữa khỏi cho 2 người (1 bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), 1 bệnh nhân ở Thanh Hóa); số còn lại tình hình sức khỏe đang tiến triển tích cực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn để có được kết quả trên là nhờ chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt với các phương án toàn diện, hiệu quả để sẵn sàng phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị, dập dịch.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng dự đoán trong thời gian tới, dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và lan nhanh ra nhiều nước. Cùng với sự phát triển của các thiết bị xét nghiệm mới giúp phát hiện người mắc bệnh nhanh hơn, ở trong nước có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với virus nCoV, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này

Các bệnh viện tuyến Trung ương sẵn sàng sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi/nhiễm nCoV

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay đã huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Bệnh thành lập 2 đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới..

Hiện Bệnh viện có khả năng điều trị 1.000 người, trong đó 600 người giám sát, 400 ca điều trị và khoảng 50 giường điều trị tích cực và sẵn sàng cho bệnh viện dã chiến khi cần huy động.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị 3 ca dương tính, 1 ca đã có kết quả âm tính (1 lần); các ca đã được điều trị có sức khoẻ ổn định và được tiếp tục theo dõi. Bệnh viện đã bố trí 2 nơi cách ly cho người dương tính với nCoV và khu vực cách ly đối với ca giám sát, hiện là 57 ca.

Bệnh viện Nhi Trung ương: Cô lập Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em trong tình huống dịch lây lan

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết viện đã lên kịch bản, nếu dịch ở mức độ 4, lan tràn cộng đồng thì Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (thuộc Bệnh viện) sẽ được mở rộng và cô lập toàn bộ khu vực toàn bộ Trung tâm này.

Hiện Trung tâm có 150 giường bệnh, có thể nâng lên 200 giường trong tình huống cần; nhân lực có 20 bác sĩ, 75 điều dưỡng, trong tình huống cần, sẽ điều động 20 bác sĩ và 55 điều dưỡng từ các khoa khác tăng cường.

Bệnh viện chuẩn bị sẵn khu cách ly và cơ số giường trong khu vực cách ly, bố trí 1 phân luồng bệnh nhân 1 chiều... Phân công cán bộ trực dịch để chủ động bám sát tình hình dịch và báo cáo kịp thời lãnh đạo Bệnh viện về những diễn biến bất thường (nếu có).

Ngay tại các cửa ngõ khám bệnh như Khoa Tự nguyện S, Khoa Quốc tế, Khoa Khám bệnh 24h, Khoa Cấp cứu chống độc… Bệnh viện Nhi Trung ương đều để bảng thông tin tuyên truyền về dịch bệnh nCoV, trong đó nhấn mạnh thêm thông tin người nhà khi đưa trẻ đến khám cần chủ động khai báo với nhân viên y tế về đặc điểm dịch tễ của trẻ (bệnh nền, sốt cao nhất bao nhiêu độ, ho lâu chưa..., có tiếp xúc với người trở về từ vùng dịch hay không...) để nhân viên y tế phân loại, phân luồng bệnh nhân ngay từ cửa ngõ.

Song song với phát tuyên truyền về cách phòng chống dịch nCoV, Bệnh viện phát miễn phí khẩu trang cho người nhà bệnh nhân, yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ đeo khẩu trang và rửa tay trong quá trình khám, chữa bệnh.

Cùng đó, bệnh viện đã lên phương án về trang thiết bị, cơ số thuốc phù hợp với từng tình huống dịch bệnh cụ thể, yêu cầu tuân thủ tuyệt đối việc phân luồng, cách ly và điều trị, đặc biệt là chống lây nhiễm chéo, để hạn chế thấp nhất nguồn lây lan dịch bệnh.

Bệnh viện đã thành lập 2 đội chống dịch cơ động, mỗi đội 8 người (nhiều hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế), gồm 3 bác sĩ về cấp cứu, hồi sức và truyền nhiễm và 3 diều dưỡng, 1 lái xe, 1 chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn...

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo các nhân viên y tế bệnh viện; các khoa, phòng tăng cường theo dõi, giám sát, phòng chống dịch, đặc biệt chú ý những bệnh nhân đến khám có biểu hiện ho, sốt cần được bố trí phòng cách ly kịp thời, chuẩn bị sẵn phương tiện vận chuyển bệnh nhân theo hướng dẫn của đường dây nóng của Bộ Y tế.

Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do nCoV tại bệnh viện: duy trì công tác thường trực 24/24; thành lập Đội phản ứng nhanh nội viện ứng phó với bệnh viêm phổi cấp do nCoV; chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các khoa/phòng;

Bệnh viện thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện; Các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế; Thực hiện đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do nCoV theo quyết định 125/QĐ-BYT ngày 16/01/2020..

Thiết lập hệ thống báo cáo ca bệnh toàn bệnh viện gửi về phòng Kế hoạch tổng hợp để báo cáo Bộ Y tế. Cùng đó, thông báo số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch tại Bệnh viện và của Bộ Y tế.

Bệnh viện tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn: đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh tay cho cả nhân viên và bệnh nhân đến khám bệnh.

Sàng lọc ngay bệnh nhân đăng ký khám: đo nhiệt độ, hạn chế đi lại của bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Nâng cao sức đề kháng cá nhân bằng cách tập thể dục, ăn chín uống sôi và đủ chất. Bệnh viện cũng quán triệt nhân viên không tham dự các lễ hội đông người, hạn chế tụ họp.

Theo Q.An/Gia đình & Xã hội