Sự lên ngôi của các công ty tài chính

Theo thống kê, tính đến năm 2010 thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng trung bình 20,4%/năm, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về chi tiêu, mua sắm. Mặc dù tín dụng tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 7,3% tổng dư nợ, tuy nhiên, dịch vụ này đang được dự báo sẽ ngày càng phát triển do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, chi tiêu của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt là lớp đối tượng có thu nhập trung bình, ổn định và sinh sống tại các khu đô thị.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng, TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, với những khoản vay tiêu dùng mà khách hàng không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, họ chỉ có cách vay mượn của người thân hoặc tham gia thị trường “tín dụng đen”, thì nay việc này đã trở nên dễ dàng hơn bởi sự đáp ứng vốn linh hoạt, đa dạng của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng (gọi chung là các công ty tài chính).

Ông Cao Sỹ Kiêm cho biết: “Trong chiến lược phát triển, các ngân hàng đều chọn con đường trở thành ngân hàng bán lẻ. Thế nhưng, các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đối với lĩnh vực tiêu dùng hiện nay chỉ mới tập trung vào mua nhà, mua ô tô, …, những khoản vay thấp dù chỉ 50-100 triệu cũng cần có tài sản bảo đảm. Vì vậy, việc cấp tín dụng đối với những khoản vay nhỏ thì ngân hàng gần như vắng bóng và các công ty tài chính đang tận dụng tối đa khoảng trống này”.

Thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùngđang nở rộ hơn bao giờ hết. Thống kê cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện chiếm khoảng 6,2% GDPvà ước dự kiến đạt 10% GDP trong vòng 5 năm tới, trong số đó có sự đóng góp không nhỏ của các công ty cho vay tài chính. Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của loại hình dịch vụ này đã mang đến những tiện ích đáng kinh ngạc cho người dân: khả năng tiếp cận vốn nhanh (chỉ trong vòng 30 phút), thủ tục đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, có thể vay những khoản giá trị rất nhỏ từ 5-7 triệu đồng...

Theo đánh giá của luật sư Trương Thanh Đức - Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), bên cạnh ý nghĩa thúc đẩy giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế, sự gia tăng dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính còn góp phần thu hẹp phạm vi hoạt động của “tín dụng đen”. Theo giải thích của ông Trương Thanh Đức, nếu như trước đây, với những khoản vay tiêu dùng, khách hàng không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và họ chỉ có cách vay mượn của người thân hoặc tham gia thị trường “tín dụng đen” thì nay, sự phát triển, gia tăng mạnh mẽ của dịch vụ cho vay tài chính đãđáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, và nạn “tín dụng đen” nhờ thế được đẩy lùi.

Ngày càng nhiều người dân lựa chọn vay tiêu dùng.

Vẫn còn một số rào cản

Rào cản lớn nhất hiện nay là những băn khoăn về mức lãi suất “không hề nhẹ” của các công ty tài chính. Cụ thể, các công ty tài chính đang cho khách hàng vay với lãi suất  từ 18 - 60%/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người tiêu dùng cần hiểu rõ về bản chất của việc này bởi rõ ràng chỉ khi không có đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng hoặc quá ngại với thủ tục rườm rà của nó thì khách hàng mới tìm đến dịch vụ này. Nói cách khác, người vay là đối tượng dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng và là đối tượng vay có mức độ rủi ro lớn, việc này đồng nghĩa với việc họ phải vay với lãi suất cao là đương nhiên.

Giải thích về mức lãi suất “khủng” này, TS.Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nếu nhìn ở góc độ chính sách thì hiện nay là các công ty tài chính không được phép huy động tiền gửi từ dân cư. Hầu hết các công ty tài chínhđều phải huy động vốn từ các nguồn đi vay. Việc phát hành trái phiếu khá khó khăn và tốn kém do thời gian hoạt động của các công ty này chưa dài, lịch sử tín dụng cũng như mức độ tín nhiệm chưa cao. Hơn nữa, các khoản vay chủ yếu từ 10-50 triệu không có tài sản bảo đảm nên các đơn vị này phải trích lập một khoản dự phòng, điều đó dẫn đến mức lãi suất của các công ty tài chính luôn cao hơn so với mức lãi suất cho vay tiêu dùng của khối các ngân hàng thương mại.

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa bên cho vay và người đi vay, theo chuyên gia kinh tếTS. Nguyễn Minh Phong, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính hoạt động, cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, cần tách riêng dịch vụ cho vay tiêu dùng tín chấp dành cho khách hàng dưới chuẩn để tạo thuận lợi hơn cho mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt đối với nhóm khách hàng thu nhập thấp. Sự cạnh tranh đa dạng như vậy sẽ làm tăng chất lượng dịch vụ và giảm lãi suất, tỷ lệ tăng trưởng cho loại hình dịch vụ này sẽ tăng nhanh hơn.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các công ty tài chính tiêu dùng cũng phải chú trọng nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Công ty tài chính cần phải có tư vấn tốt cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi vì nhiều khách hàng có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ, ý thức trả nợ kém, nên có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực, một chiều, gây bất lợi trong dư luận. Làm được như vậy, uy tín, vai trò của công ty tài chính tiêu dùng mới được thể hiện, tạo động lực tham gia vào quá trình giao lưu hàng hóa, mang lại những thuận lợi nhất định cho người tiêu dùng nói riêng, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung./.

Nguyễn Quân / Theo Ngày nay Online