Bị chính khách hàng ruột “tố cáo”

“Mình nghĩ là mình mua phải hàng fake rồi nhưng hỏi lại mọi người cho chắc vì shop khẳng định “bán hàng auth”. Mua lọ nước tẩy trang dành cho da dầu Bioderma của Pháp tại shop Cheapie Market nhưng mình thấy chữ in trên bao bì “bay” rất nhanh” - đây chính là một đoạn trong bài viết phản ánh của một khách hàng có tên Lan Phương đăng lên mạng xã hội khi nghi ngờ chất lượng sản phẩm đã mua tại Cheapie Market.

Sau đó, khách hàng này còn liên hệ trực tiếp với nhà phân phối của hãng Bioderma tại Việt Nam để hỏi về bao bì sản phẩm và nhận được câu trả lời: “Do không được thấy trực tiếp sản phẩm nhưng theo kinh nghiệm của họ đây là hàng giả”. Lúc này, shop mỹ phẩm mới tá hỏa trả lời tin nhắn phản ánh của khách về sản phẩm song vẫn tự tin khẳng định “chỉ bán hàng auth”.

Không dừng lại ở đó, nghi vấn Cheapie Market bán hàng trộn fake tiếp tục bị lùm xùm khi đã bị đưa lên và “bóc phốt” trên một fanpage nổi tiếng với hơn 157.000 người theo dõi. Bài viết đó đã thu hút hàng nghìn like, gần 1.000 bình luận và hàng trăm lượt chia sẻ.

Rất nhiều người mua hàng tại shop đã vào đặt câu hỏi nghi vấn về sản phẩm họ mua và có nghi là hàng fake. Đáng chú ý là trường hợp của chị Thiên Trang. Chị có mua một sét mặt nạ ngủ môi và mặt Laneige loại mini. Lọ kem dành cho mắt thì giống với những lọ trước đây chị đã mua tại shop nhưng lọ kem dành cho môi lại có vấn đề. “Chữ in trên thân lọ rất dễ bay, chỉ cần miết nhẹ là mất”, chị Trang nói.

Cũng như những khách hàng khác, chị Trang đã liên hệ với shop và vẫn nhận được câu trả lời khẳng định rất tự tin và chắc chắn rằng: “Họ chỉ bán hàng auth và có bill đầy đủ”. Bill này có phải của lọ Laneige dành cho môi mà chị Thiên Trang mua hay không thì chính họ cũng không dám khẳng định và đối chứng.

Website chính thức của shop mỹ phẩm Cheapie Market.

Cẩn thận hơn chị Thiên Trang, chị Thùy Dương khi mở nắp chai nước hoa hồng Thayers mình mua ở Cheapie Market ra thì thấy giấy bạc bọc trên miệng chai bị rách, chị liền lên website của hãng để so sánh. Thành phần in trên chai mua của shop không những thiếu 1 chất mà thứ tự cũng không giống với hãng đăng tải. Sau đó, chị còn gửi mail tới hãng và shop về vấn đề mình thắc mắc, nhưng không nhận được kết quả như mong muốn.

“Shop có thái độ trả lời không hợp tác khi nói, giấy bạc rách có thể do bị lỗi, thứ tự thành phần in khác nhau là chuyện bình thường. Thành phần bị thiếu là chất sát khuẩn tự nhiên có thể hãng không in hoặc tùy lô hàng nên mới vậy. Trong khi đó, bill Cheapie Market gửi cho tôi ghi không có mùi Peach nhưng chai tôi mua lại có màu này”, chị Thùy Dương ngán ngẩn kể.

Những vị khách trên đây đều là những khách hàng “ruột” của shop mỹ phẩm Cheapie Market, nhưng khi có quá nhiều nghi ngờ, họ đã lên tiếng để những người tiêu dùng khác có ý kiến và đánh giá khách quan, đồng thời cũng đặt một dấu hỏi cho chính lòng tin mà họ đã dành cho shop bao lâu nay.

Tới tự “tố cáo” chính mình?

Câu chuyện bị khách hàng phản ánh về chất lượng sản phẩm không phải là vấn đề mới xảy ra gần đây đối với shop Cheapie Market. Từ cuối những năm 2016, khi son 3CE của Hàn Quốc nổi tiếng khắp Châu Á và xuất hiện ở Việt Nam thì shop này đã dính “phốt” tố cáo của nhiều khách hàng.

 Shop Cheapia Market bị nhiều khách hàng nghi ngờ trộn hàng fake.

PV đã đi tìm hiểu và phát hiện ra một phần sự thật đằng sau cái mác “chỉ bán hàng auth” của Cheapie Market.

Ra đời và bắt đầu được các bạn trẻ Hà Nội biết tới từ tháng 10/2014, với kiểu hoạt động tạo ra những phiên “chợ” bán lẻ hàng mỹ phẩm, thời trang, phụ kiện với giá rẻ bằng giá bán buôn. Những ngày đầu, shop mỹ phẩm này mở ở Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đến 31/3/2017, sau mấy năm gây dựng danh tiếng bởi bán hàng giá rẻ, Cheapie chính thức mở stores bán lẻ fulltime đầu tiên tại 81D Mai Hắc Đế. Một năm sau, shop đã có thêm 3 cửa hàng và đều nằm trên những con đường lớn của Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Trần Quốc Vượng và Phan Đình Phùng.

Nhờ vào khả năng PR, quảng cáo và nhờ cách thức mỗi tháng mở 1 hoặc 2 phiên chợ giảm giá nhắm vào túi tiền của khách hàng, cùng với lời cam kết “có cánh”: “Luôn đem đến cho khách hàng các sản phẩm mỹ phẩm chính hãng đa dạng và nổi tiếng trên thế giới, đảm bảo luôn có mức giá tốt nhất. Thường xuyên có những đợt garage sale “khủng” nhằm đem tới cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất cùng mức giá bán sỉ”, Cheapie Market đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng một cách dễ dàng và nhanh chóng.

 Khách hàng tranh nhau tới mua hàng mỗi khi Cheapie mở đợt giảm giá.

Một điều lạ, ngay cả những hãng dược – mỹ phẩm lớn trên thế giới cũng không có khả năng để liên tục mở những đợt sale “khủng” hàng tháng như Cheapie. Một năm, các đơn vị sản xuất và bán mỹ phẩm này cũng chỉ sale vào một số dịp đặc biệt mà thôi.

Không chỉ có vậy, shop này còn có một khả năng kinh doanh vượt trội và đặc biệt hơn hẳn các đơn vị kinh doanh lớn nhất thế giới khi hàng tháng sale “đồng loạt” tất cả các sản phẩm từ đồ trang điểm tới kem dưỡng da, kem chống nắng, mặt nạ, tẩy trang – tẩy da chết, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể, phụ kiện làm đẹp và thực phẩm chức năng. Thậm chí, có nhiều sản phẩm còn được sale lên tới 80%. Có tới 50 - 60 thương hiệu lớn trên toàn thế giới như: Innisfree, Missha, The face shop, L’Oreal, Maybelline, Chateau, Chic Holic, Aqua Vera, April Skin, 3CE… được bán tại shop.

Nghi án nguồn nhập hàng

Chủ shop có một khả năng kinh doanh “vượt trội” khi có thể nhập hàng với số lượng lớn, của rất nhiều thương hiệu trên thế giới, lại sale liên tục hàng ngày trên website. Vậy Cheapie làm cách nào có thể nhập được nguồn hàng phong phú đến như vậy?

PV đã đi khảo sát tại các cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, Mai Hắc Đế, Trần Quốc Vượng thì đều nhận được câu trả lời của nhân viên: “Bên em chuyên bán hàng xách tay, được nhập từ nhiều nơi về và của nhiều nước”.

Khi PV ngỏ ý muốn nhập hàng số lượng lớn từ shop thì Cheapie Market đồng ý và cam kết hàng chuẩn, hàng chính hãng. “Chị muốn nhập bao nhiêu thì cứ báo cho bên em. Hàng bên em chủ yếu là những sản phẩm có giá dưới 1 triệu, nhưng nếu chị muốn nhập hàng đắt tiền cũng có. Nguồn hàng rất phong phú, có của hầu hết của các thương hiệu lớn nên chị yên tâm”, người đại diện của shop nói.

Để tạo sự tin tưởng, shop này còn khẳng định luôn có bill mua hàng đầy đủ từ các nước nếu người nhập hàng yêu cầu và: “Em muốn gì cũng có, bill, hóa đơn mua hàng hay giấy tờ gì cũng có luôn".

Tuy nhiên, theo chị Lan (Hà Nội), một người có kinh nghiệm bán hàng xách tay hơn 10 năm nay cho biết, hàng từ nước ngoài chuyển về Việt Nam có nhiều con đường, chuyển bằng máy bay, đi tàu hoặc qua đơn vị vận chuyển hàng hóa trung gian.

“Hàng thật, giả lẫn lộn rất nhiều. Hàng đảm bảo là hàng được mua từ các siêu thị hoặc nhập trực tiếp từ nhà sản xuất. Nhưng ở nước ngoài cũng có các khu chợ bán mỹ phẩm giống như các chợ sinh viên ở Việt Nam, nguồn nhập từ khắp mọi nơi, tạp nham. Chất lượng thì không đảm bảo. Nhiều shop đã nhặt hàng từ đây về bán và vẫn coi đó là hàng xách tay”, chị Lan nói.

Cũng theo chị Lan, những người mua hàng chợ thường nhập cả tấn hàng, vài  container là chuyện bình thường. “Hàng này trộn với hàng chính hãng thì vẫn có bill, khách hàng muốn check gì cũng đáp ứng được hết. Với những shop nhập từ nhiều nơi, nhiều nguồn, lại qua các đơn vị trung gian thì có khi chính họ cũng không biết họ đang nhập phải hàng giả, hàng kém chất lượng”, chị Lan chia sẻ.

  Các sản phẩm của shop được nhập từ khắp mọi nơi. 

Ngày 6/8/2018, Nhật Bản phát hiện kho hàng ăn cắp lớn của nhóm người Việt tại một căn nhà ở tỉnh Saitama, Nhật Bản. Họ tìm thấy khoảng 1.700 mặt hàng được ăn cắp, trong đó có 300 sản phẩm là thuốc và mỹ phẩm. Số hàng này dường như được một nhóm người đưa đến đây tập kết trước khi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. 

Như vậy, ngoài 2 nguồn trên, hàng ăn cắp cũng là nguồn hàng được nhiều shop tại Việt Nam nhập về buôn bán. Shop bán mỹ phẩm sẽ luôn qua mặt được khách hàng khi họ muốn kiểm tra hay check thông tin bởi đây chính xác là hàng chính hãng 100%.

Nghi án trộn hàng fake, nguồn gốc không rõ ràng là những gì đang tồn tại Cheapie Market -  một shop mỹ phẩm lớn tại Hà Nội, có tới hàng trăm nghìn người đang theo dõi và có tới hàng triệu đơn hàng được bán ra trong những năm qua. Nhưng nó vẫn ngang nhiên tồn tại bao năm qua, dưới cái mác hàng chính hãng, chuẩn auth.

Phóng viên đã đến liên hệ làm việc với chuỗi cửa hàng Cheapie Market nhưng chưa gặp được chủ cửa hàng và người đại diện. Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc nội dung này trong bài viết sau.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới