Trong một “cuộc chiến” chung, tất cả người dân Việt Nam đều có những nhiệm vụ riêng. Và hiện nay, nhiều người đã và đang nhận nhiệm vụ “hậu cần”, bên cạnh trang thiết bị được nhà nước cấp, thì từng người dân đang chắt bóp, dành dụm để tiếp tục cấp cho những chiến binh ở tuyến đầu phòng, chống dịch những chiếc khẩu trang, bộ đồ bảo hộ… và nhất là những suất cơm chân tình.

Mới hôm qua, cả báo chí chính thống lẫn trên hệ thống mạng xã hội, người ta chia sẻ cho nhau câu chuyện về bà lão tuổi đã xưa nay hiếm, cũng chẳng phải giàu sang, no đủ gì, nhưng tình nguyện dành số tiền 1 triệu để ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid. Đó là cụ Lê Thị Niệm (78 tuổi, ngụ tại thôn Côn Sơn, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa).

120 xuất cơm được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TW cơ sở 2 dành tặng các y, bác sỹ. Ảnh T.T

Trước đó, bà mẹ 3 con Thanh Thủy (Đống Đa, Hà Nội) đã tình nguyện tự bỏ tiền túi ra nấu 5 bữa cơm tối cho các y, bác sỹ ở Bệnh viện Nhiệt đời TW. Theo như tìm hiểu, Thủy cũng chẳng dư dả gì, một nách ba con, bố thì đang điều trị ung thư… nhưng với chị, chia sẻ với sự khó khăn của những người tuyến đầu phòng, chống dịch là một niềm hạnh phúc. Những xuất cơm của chị đưa đơn giản với chuối ốc đậu, tôm rang hoặc canh cua rau mồng tơi, thịt kho trứng… nhưng chỉ cần nhìn vào sự tỉ mẩn và cẩn thận cũng đủ hiểu chị để vào đấy bao nhiêu tình yêu thương, sẻ chia.

Xuất cơm đơn giản nhưng trọn vẹn tình yêu thương. Ảnh: T.T

Trong dịch bệnh, việc nhiều cửa hàng, quán ăn đóng cửa là chuyện diễn ra hàng ngày. Nhưng khó khăn là vậy, một quán cà phê trên đường Hoàng Đạo Thúy vẫn cứ pha 10.000 cốc cà phê, kèm theo những lời nhắn nhủ dễ thương dành cho các chiến binh nơi tuyến đầu. Cũng vậy, một nhà hàng ở Đà Nẵng nấu gửi các y, bác sỹ 1000 xuất cơm.

10.000 ly cà phê...

Không để cư dân mình lạc loài, hiện các chung cư cũng dấy lên phong trào kêu gọi đóng góp tiền, của để chuyển đến các y, bác sỹ đang làm nhiệm vụ.

... kèm những lời chúc dễ thương

Và mới sáng đây, sau tất cả những mệt mỏi, bức xúc bởi sự vất vả của các chiến sỹ chỉ bởi việc tiếp tế đồ cho con cái bị cách ly, những người bị cách ly đã chủ động gom góp để mua tặng các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ những ly sữa, nước ngọt…

Ắt hẳn những gì mọi người đang làm kia sẽ khiến cho các chiến binh đang ở tuyến đầu sẽ cảm thấy đỡ mệt phần nào, những ngày dài không ở bên gia đình sẽ bớt sự vất vả. Tất cả những người ngoài kia, dù chỉ là những chai nước nhỏ bé, nhưng chứa đựng trong đó là tình cảm, sự hàm ơn và động viên to lớn.

Những cho đi đã được nhận lại. Sẽ chẳng ai so đo nhiều hay ít, mà trên hết, đó là sự sẻ chia, thấu cảm và tình thương giữa con người với người. Những hiệu triệu của Chính phủ đã lan tỏa tính nhân văn và tinh thần trách nhiệm. Vẫn còn nhiều những bức xúc, nhưng hơn bao giờ hết, trong giai đoạn này, người ta rất dễ rơi nước mắt bởi một lần nữa, nghĩa đồng bào được đánh thức, khơi dậy trong mỗi người dân Việt chúng ta.

Theo Pháp luật & Xã hội