Kể từ ngày “khởi động” cuộc chiến chống dịch Covid-19 (21/1) đến nay tròn 100 ngày, Hà Nội đã vượt qua những thời điểm rất cam go, phức tạp như khi phát hiện ca bệnh đầu tiên ngày 6/3, dập ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch thôn Hạ Lôi... đến nay, cơ bản dịch bệnh được kiểm soát, không để lây lan.

Hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn vì an toàn cho người dân

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng, chung sức, quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai, ứng phó và ngăn chặn dịch lây lan.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết sách cụ thể, kịp thời, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sớm hơn và mức độ cao hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Đặc biệt, đúng đêm Giao thừa Tết Nguyên Đán, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện biện pháp khai báo y tế bắt buộc, cao hơn mức cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới.

Tinh thần chung là chủ động đánh giá đúng tình hình, diễn biến của dịch bệnh, đưa ra các giải pháp quyết liệt, kịp thời, phù hợp với thực lực của đất nước.

Phun khử khuẩn tại khu phố Trúc Bạch, Hà Nội

Quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng là chống dịch như chống giặc; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; lấy phòng dịch làm ưu tiên; khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả; chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân...

Hà Nội chung sức, đồng lòng

Hà Nội là địa phương chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh này, nguy cơ rủi ro lớn nhất với nguồn bệnh bên ngoài sau đó lây chéo từ bên trong... thực tế đến nay Hà Nội có số ca bệnh cao nhất cả nước. Hà Nội cũng phải thực hiện trách nhiệm của Thủ đô khi đón và thực hiện các biện pháp đưa đón, cách ly, chăm sóc, theo dõi sức khỏe với lưu học sinh, công dân Việt Nam ở nước ngoài về...

Công tác phòng, chống dịch được tập trung chỉ đạo khẩn trương và quyết liệt. Trên cơ sở dự báo sớm và nhận định đúng tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch, Thành ủy, UBND Thành phố đã chủ động triển khai phòng, chống dịch Covid 19 từ rất sớm (cập nhật diễn biến dịch ở Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019, ngày 21/01/2020 UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo - khi chưa có thông báo dịch lan rộng tại Vũ Hán, Trung Quốc).

Các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở nghiêm túc triển khai với tinh thần chủ động, quyết liệt, đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế với các biện pháp triển khai bài bản, khoa học, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp diễn biến dịch bệnh.

Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy duy trì giao ban hàng tuần về công tác phòng, chống dịch Covid-19; đã kịp thời ban hành 29 văn bản chỉ đạo.

Thường trực Thành ủy thường xuyên làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống Covid-19, kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Đồng chí Bí thư Thành Ủy Vương Đình Huệ nhiều lần trực tiếp tham gia họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp như xuất hiện ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội, phát hiện, xử lý ổ dịch Bạch Mai, thôn Hạ Lôi...

Cuộc họp ngay trong đêm 6/3 khi Hà Nội có ca nhiễm đầu tiên, Bí thư Thành ủy chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp chống dịch, trấn an nhân dân. Chỉ vài tiếng sau, tại cuộc họp sáng 7/3, trước việc người dân hoang mang, đổ xô mua hàng tích trữ, Bí thư lên tiếng trấn an, thông báo về số lượng hàng hóa dồi dào, đầy đủ... ngay trong ngày 7/3 người dân yên tâm, không còn đổ dồn về siêu thị.

Ban Thường vụ Thành ủy thành lâp 05 đoàn kiểm tra; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tăng cường nắm tình hình, kiểm tra theo dõi công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, đơn vị được giao phụ trách; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương và đơn vị mình.

Toàn Thành phố đã đồng lòng, chung sức thực hiện có kết quả Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Thành uỷ với phương châm “phòng là chính”, “4 tại chỗ”, “chống dịch như chống giặc”. Đến nay, Thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt, ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Hà Nội khẩn trương và quyết liệt

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Thành ủy đánh giá rất cao tinh thần chủ động, sáng tạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 các cấp đặc biệt là vai trò của Ban chỉ đạo thành phố, đồng chí Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo nắm chắc tình hình, sát sao, kịp thời xử lý ngay những vấn đề phát sinh của dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP nêu kinh nghiệm trên thế giới, một số nước chần chừ, không quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, dẫn tới hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe sụp đổ, gánh chịu hậu quả của đại dịch, nhiều người nhiễm bệnh và tử vong.

Bên cạnh đó, một nước chống dịch quyết liệt như chúng ta đang chọn, giúp kiềm chế được lây nhiễm, giảm gánh nặng lên y tế; giúp có điều kiện thời gian để chuẩn bị điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân... “Việc chống dịch quyết liệt giúp chúng ta có thời gian chuẩn bị, học hỏi thêm từ bài học chống dịch từ các nước, không được chủ quan, chần chừ trong phòng chống dịch”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 Hà Nội triển khai nhiều biện pháp tổng hợp theo các cấp độ để phòng, chống dịch bệnh, kể cả cấp độ cao nhất của dịch như: Triển khai áp dụng tờ khai y tế để nắm và phân loại; điều tra, xác minh các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh; giám sát hành khách nhập cảnh qua Sân bay quốc tế Nội Bài.

Tổ chức tiếp nhận cách ly tại 13 khu cách ly tập trung và tại các khách sạn; cách ly tại cộng đồng có sự giám sát của thôn, tổ dân phố trên 71 nghìn người; điều trị và cách ly tập trung tại Bệnh viện; đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đảm bảo nguồn dự phòng, không để xảy ra thiếu nguồn cung; đóng cửa các địa điểm tập trung đông người.

Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ, nhân lực cho việc dự phòng, cách ly, điều trị. Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tại các khu vực bến xe, nhà ga, trường học, bệnh viện, công sở, khu chung cư, các khu di tích và nơi công cộng để phòng ngừa dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm...

Phụ thuốc khử khuẩn tại ổ dịch bệnh viện Bạch Mai

Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương sớm nhất khuyến cáo người dân làm việc ở nhà, hạn chế ra đường, hạn chế dùng xe công cộng, đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, xử phạt người ra đường không có lý do cần thiết, bỏ thói quen la cà trà đá, cà phê, nhậu; cửa hàng không thiết yếu chỉ mở sau 9 giờ sáng ... tất cả những khuyến cáo trên đều được người dân Thủ đô hưởng ứng.

Dư luận Nhân dân bày tỏ sự cảm phục, ghi nhận nỗ lực, nhiệt huyết của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh, từ các đồng chí lãnh đạo Thành phố đến những chiến sĩ nơi tuyến đầu như đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội...

Cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh đối với Bệnh viện Thận Hà Nội, thời gian tối thiểu 14 ngày, từ 10/4 đến 24/4.
Lấy mẫu xét nghiệm tại bệnh viện Thận Hà Nội

Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những kết quả của Thành phố Hà Nội đạt được trong công tác phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế trên địa bàn.

Theo sát diễn biến của dịch bệnh, xử lý hiệu quả các ổ dịch phức tạp

Với vai trò đứng đầu UBND TP, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, ông Nguyễn Đức Chung luôn theo sát mọi diễn biến của dịch bệnh, thậm chí là người trực tiếp điều tra lịch trình, thói quen sinh hoạt của bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Khi phát hiện những nhân viên đầu tiên của công ty Trường Sinh nhiễm bệnh tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung làm việc với Giám đốc công ty Trường Sinh và Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai để xác định rõ thông tin tình hình ổ dịch.

Phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện Bạch Mai

Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hà Nội xác định nguồn lây nhiễm thuộc công ty Trường Sinh, nhưng công ty này ký hợp đồng để nhân viên vào nấu ăn, làm việc cho Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai. Các nhân viên công ty Trường Sinh ăn ngủ, sinh hoạt tại Khoa Dinh dưỡng. Do vậy, Ban chỉ đạo xác định, nguồn lây nhiễm ổ dịch Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai diễn ra ở khoa Dinh dưỡng.

Cũng bởi các nhân viên công ty Trường Sinh ăn, ngủ, sinh hoạt trong bệnh viện, ít về nhà nên Chủ tịch UBND TP nhận định việc lây nhiễm chủ yếu diễn ra giữa các nhân viên công ty ở trong bệnh viện, ít có khả năng lây nhiễm cho người nhà bệnh nhân tại địa phương.

Thực tế diễn ra, từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã có 58 bệnh nhân liên quan (tính cả bệnh nhân 243 và các bệnh nhân liên quan tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Trong số này, 27 bệnh nhân là nhân viên của Công ty Trường Sinh, cung cấp suất ăn, nước uống cho bệnh viện này. Các trường hợp còn lại là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Còn nhớ chiều 6/3, khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Hà Nội, trên đường trở về từ một cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ngay lập tức xin số điện thoại của nữ bệnh nhân số 17 để tìm hiểu thông tin. Sau hơn 1 tiếng trao đổi, trò chuyện với người bệnh, ông nhanh chóng chỉ đạo các hoạt động khoanh vùng, cách ly những người liên quan.

Trong quá trình xử lý ổ dịch bệnh viện Bạch Mai, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP yêu cầu các đơn vị: "Phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, không lừng khừng, không cho phép và cũng không có thời gian để bàn. Ví dụ, thấy người có yếu tố tiếp xúc với người bệnh, hay người liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai lập tức cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm".

Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Hà Nội chủ trương nâng lên một mức phản ứng với dịch bệnh so với khuyến cáo của Bộ Y tế đã phát huy hiệu quả trong quá trình xử lý ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Chiều 6/4, khi ca bệnh 243 được công bố, tại địa phương đã phong tỏa xong xóm Bàng – nơi ở của bệnh nhân. Buổi chiều cùng ngày, việc điều tra, lấy mẫu các trường hợp tiếp xúc F1 cơ bản xong, ngay tối các trường hợp F1 lên xe đi cách ly tập trung.

Do phong tỏa kịp thời, người dân ở yên trong nhà, vì vậy nếu những ca bệnh đầu tiên ở thôn Hạ Lôi như bệnh nhân 243; 250 có số người tiếp xúc F1 lên tới hơn 100 người, thì những ca bệnh về sau số tiếp xúc F1 chỉ khoảng vài ba chục người.

Cách ly 28 ngày đối với thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại thôn Hạ Lôi

Tại ổ dịch phức tạp tại thôn Hạ Lôi đến nay phát hiện 13 ca nhiễm, tất cả đều ở trong thôn, chưa lây lan sang thôn, xã khác. Toàn bộ xã Mê Linh khoảng 15.000 người được lấy mẫu xét nghiệm, ngoài các ca bệnh đã công bố, còn lại tất cả đều âm tính. Đến nay, hơn 15 ngày qua, ổ dịch phức tạp này chưa có ca nhiễm mới.

Có thể nói, chính sự nhanh chóng và dứt khoát trong công tác phòng chống, dập ổ dịch của Ban chỉ đạo TP Hà Nội đã kiểm soát được ổ dịch thôn Hạ Lôi, không có trường hợp lây lan ra bên ngoài thôn.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát, có được kết quả này, có thể thấy nhờ có đánh giá, nhận định đúng tình hình, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hà Nội đưa ra những chính sách đúng đắn, quyết liệt, dứt khoát, hiệu qủa.

Bên cạnh đó, còn nhờ sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân. Bởi vậy, trong hầu hết cuộc họp của Ban chỉ đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo đều gửi lời cảm ơn đến toàn thể người dân Thủ đô đã chung sức, đồng lòng chống dịch.

Người dân Thủ đô trong những ngày cách ly xã hội

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố cũng nhận định Hà Nội là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, mặt khác hiện nay đã nới lỏng giãn cách xã hội nên người dân ra đường đông hơn, nhiều người đến vui chơi, tập thể dục tại các vườn hoa, công viên, không đảm bảo khoảng cách tiếp xúc và vẫn còn những trường hợp không đeo khẩu trang... tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Vì vậy cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, điều trị bệnh nhân, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh.

Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những kết quả của Thành phố Hà Nội đạt được trong công tác phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế trên địa bàn.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 22/4, Thủ tướng đánh giá: “Hà Nội chống dịch rất quyết liệt, phải nói rằng các đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại va chạm”.

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng biểu dương Hà Nội, trước đó, tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, ngày 20/4, Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19; Trước đó nữa, cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 6/4 về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng biểu dương việc triển khai Chỉ thị 16 rất hiệu quả của các địa phương, trong đó đặc biệt là Hà Nội.

Lần khác, tại phiên họp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng nhận xét: “Tại Hà Nội, các đồng chí đã chủ động phát hiện, đề xuất với Trung ương các biện pháp xử lý ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai”.


Theo Kinh tế & Đô thị